Cho dù bị kiểm soát chặt chẽ nhưng tín dụng bất động sản vẫn giữ được đà tăng, đặc biệt là dư nợ cho vay phục vụ mục đích tự sử dụng.

Dư nợ bất động sản vẫn tăng

Với diễn biến quốc tế cũng như khu vực có nhiều yếu tố không thuận lợi trước dịch bệnh Covid-19, các kế hoạch hoạt động cũng như doanh thu, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp bất động sản phải thay đổi ít nhiều.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoặc hủy bỏ tổ chức sự kiện quan trọng trong hoạt động kinh doanh như khởi công, mở bán, quảng bá, tiếp thị dự án…

Ở khía cạnh khác, Chính phủ vẫn chỉ đạo tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Cụ thể, riêng với lĩnh vực bất động sản phải tiếp tục áp dụng hệ số rủi ro của các khoản cho vay kinh doanh bất động sản lên mức 200%, tăng hệ số rủi ro đối với khoản cho vay phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận vay từ 4 tỷ đồng trở lên, giảm dần theo lộ trình tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; yêu cầu tổ chức tín dụng ban hành quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay đối với kinh doanh bất động sản.

Bất chấp Covid-19, người dân vẫn mạnh dạn vay ngân hàng mua nhà

Song, tại một báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước lại cho thấy, đến cuối tháng 8/2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn tăng 4,78% so với cuối năm 2019, chiếm 19,55% tổng dư nợ tín dụng. Như vậy, tín dụng bất động sản vẫn giữ được đà tăng.

Xét riêng từng nhóm, phục vụ mục đích kinh doanh tăng 5,32%, phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 4,5%. Tuy nhiên, do cho vay phục vụ mục đích tự sử dụng chiếm 66,09%, tương đương 2/3 tổng dư nợ tín dụng bất động sản nên nếu theo con số tuyệt đối sẽ tăng nhiều hơn so với cho vay phục vụ mục đích kinh doanh.

Lãi vay mua nhà thấp nhất 10 năm

Ghi nhận trên thị trường, đi cùng xu hướng giảm lãi suất cho vay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh như đã đưa tại bản tin trước, nhiều ngân hàng cũng bắt đầu hạ lãi suất cho vay mua nhà.

Tại VPBank, ngân hàng này triển khai chương trình ưu đãi cho khách hàng có nhu cầu vay mua nhà chung cư có giấy chủ quyền với mức lãi suất từ 5,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 7,9%/năm trong 6 tháng hoặc 8,9%/năm trong 12 tháng đầu tiên.

Hay như ở BIDV, mức lãi suất mua nhà từ 7,6%/năm trong 12 tháng đầu tiên hoặc 9,2%/năm trong 36 tháng đầu tiên.

Tương tự, tại Vietcombank, khách hàng có nhu cầu mua nhà, xây sửa nhà, mua ôtô… có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi từ 6,79%/năm, cố định trong 6 hoặc 12 tháng đầu. Mức lãi suất này áp dụng cho các khoản giải ngân từ ngày 20 – 10 nhằm thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng cuối năm.

Thậm chí, mức lãi suất cho vay mua nhà tại ngân hàng OCB còn xuống dưới 5%/năm. Theo đó, mức lãi vay mua nhà dự án 4,99%/năm được OCB áp dụng trong 3 tháng đầu với khách hàng có khoản vay từ 48 tháng trở lên; những trường hợp khác được vay lãi suất 7,99%/năm trong 6 tháng đầu.

Nhìn chung, so với thời điểm cuối 2019, lãi suất cho vay mua nhà cố định năm đầu tiên đã thấp hơn khoảng 1-2 điểm phần trăm và hiện đang rơi về vùng thấp nhất 10 năm.

Theo một chuyên gia tài chính, khi dư địa cho vay vẫn còn, lãi suất phù hợp với kỳ vọng của người dân thì cầu tín dụng sẽ được kích hoạt bất chấp ảnh hưởng Covid-19.

“Việc giảm lãi suất chỉ là một trong các biện pháp kích cầu thông thường. Những người có nhu cầu thật, thu nhập ổn định từ lương và nguồn tích trữ khoảng 20 – 30% giá trị căn nhà rất mong được giải ngân thời điểm này. Vì vậy, tín dụng bất động sản phục vụ nhu mục đích tự sử dụng hiển nhiên sẽ tăng, đây cũng là điều nhà quản lý mong muốn”, vị chuyên gia trên nói.

 

 

Link bài viết: https://reatimes.vn/bat-chap-covid-19-nguoi-dan-van-manh-dan-vay-ngan-hang-mua-nha-1604206109882.html