Bị lừa hàng tỷ đồng

Thông tin từ Công an thành phố Hà Nội cho biết, mới đây, cơ quan này đã nhận được đơn trình báo của chị N. (1993) ở quận Cầu Giấy. Theo đơn trình báo, chị N. nhận được lời mời làm cộng tác viên chạy quảng cáo cho các sàn thương mại điện tử Tiki, Shopee… Sau khi tham gia công việc, chị N. được hướng dẫn làm nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng để được hưởng tiền hoa hồng. Mỗi ngày có 7-15 nhiệm vụ với số tiền thưởng dao động từ 20 nghìn đến 50 nghìn đồng, tùy vào nhiệm vụ.

Chị N. đã thanh toán nhiều đơn hàng với tổng số tiền là gần 1 tỷ đồng và được hứa sẽ nhận tiền công khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng sau đó chị N. không nhận được tiền gốc và phần chiết khấu. Biết mình bị lừa, chị N. đã đến Công an phường Dịch Vọng Hậu trình báo sự việc.

Tương tự, chị L.T.T. (Hà Nội) cho biết, chị cũng bị lừa theo hình thức như trên, nhưng số tiền lên đến 1,3 tỉ đồng. Chị T. cho biết, sau khi nhận lời mời tham gia cộng tác, chị được “trưởng nhóm” thêm mình vào một nhóm chát trên ứng dụng Telegram để đăng ký mã cộng tác viên rồi được hướng dẫn tải và sử dụng.

Theo chị T., sau một số đơn hàng đầu tiên nhận được tiền gốc và hoa hồng như cam kết, chị T. cũng được yêu cầu thực hiện tiếp các nhiệm vụ mua đơn hàng ảo với số tiền lớn hơn. Tuy vậy, chị lại không rút được tiền mà liên tục được giao nhiệm vụ mới. Mỗi nhiệm vụ đều tương ứng với một số tiền. Tuy nhiên, càng gỡ càng mất. Chị đã mất 1,3 tỉ đồng mà không thể rút ra được.

Không chỉ ở Hà Nội, tại nhiều tỉnh thành cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đơn cử như tại Lâm Đồng, Công an huyện Đơn Dương cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện nổi lên tình trạng nhiều người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới hàng trăm triệu vì nhận làm cộng tác viên bán hàng online trên không gian mạng.

Nạn nhân của các vụ việc này thường là phụ nữ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập

Nạn nhân của các vụ việc này thường là phụ nữ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập

Trong thời gian gần đây, đã có một số người dân ở huyện Đơn Dương bị lừa đảo với số tiền bị chiếm đoạt rất lớn như trường hợp của chị N.N.T.P, 29 tuổi, ngụ thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương.

Chị P. bị các đối tượng dụ dỗ tham gia mua bán hàng trên mạng và bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 400 triệu đồng vào tháng 9/2021. Trường hợp thứ hai là chị H.L.T, 34 tuổi, ngụ thị trấn Thạnh Mỹ bị lừa đảo chiếm đoạt 646 triệu đồng vào giữa tháng 2/2022.

Theo các cơ quan chức năng cho biết, nạn nhân của các vụ việc này thường là phụ nữ, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.

Thủ đoạn của các đối tượng đó là mạo danh nhân viên của sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… rồi đăng tải thông tin quảng cáo tìm cộng tác viên. Sau khi trao đổi, các đối tượng yêu cầu cộng tác viên phải thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu “hoa hồng”. Mỗi lượt mua hàng thành công sẽ được hưởng “hoa hồng” từ 10% đến 20% số tiền gốc của mỗi đơn hàng. Tiền sẽ được chuyển khoản ngược khi đặt hàng thành công (bao gồm cả tiền gốc và “hoa hồng”).

Khi nạn nhân tiếp tục chuyển tiền, những kẻ lừa đảo không chuyển khoản ngược lại nữa mà đưa ra nhiều lý do khác nhau như quá trình chuyển tiền bị lỗi, yêu cầu nạn nhân chuyển lại thì mới nhận được “hoa hồng”; hoặc nhiệm vụ hoàn thành được 95/100 điểm tín nhiệm, cần tiếp tục chuyển thêm tiền để hoàn thành 100 điểm….

Với nhiệm vụ đặt hàng và thanh toán để tạo giao dịch ảo trên các sàn thương mại điện tử, được cam kết sẽ nhận lại vốn kèm hoa hồng nhưng chỉ sau vài ngày, nhiều nạn nhân đã sập bẫy lừa đảo với số tiền từ hàng chục triệu đến cả tỷ đồng.

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á, chia sẻ, các vụ lừa đảo nhắm vào người dùng thanh toán kỹ thuật số ngày càng trở nên tinh vi hơn. Rất nhiều người dùng đã bị lừa đảo và chiếm đoạt tiền. Để bảo đảm an toàn cho giao dịch trực tuyến, người dùng cần nhận thức được tội phạm mạng mới nhất và thực hiện biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn để có thể bảo vệ bản thân và gia đình trước mối đe dọa mạng.

Cần cảnh giác cao

Thực tế, các thủ đoạn lừa đảo như trên không mới. Cơ quan công an, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã nhiều lần cảnh báo người tiêu dùng nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. Và sau khi phát hiện bị lừa, các nạn nhân đã làm đơn trình báo với Cơ quan công an mong được điều tra, làm rõ, hi vọng lấy lại được số tiền đã mất. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn rằng, làm thế nào để lấy lại được tiền khi bị lừa đảo qua mạng?

Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội cho biết, hiện nay, tội phạm mạng ngày càng nhiều với những chiêu thức, thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng thường không có địa chỉ thực tế nên việc truy tìm rất khó khăn và khó kiểm soát, vì nhiều đối tượng ở nước ngoài, thậm chí có tài khoản từ nước ngoài. Theo đó, việc tự mình lấy lại số tiền bị lừa đảo qua mạng thường rất khó thực hiện, bởi người bị hại không biết kẻ lừa đảo mình là ai, ở đâu để đòi.

Vì vậy, để xử lý được kẻ lừa đảo cũng như lấy lại số tiền bị lừa, người bị hại nên thông tin, trình báo lừa đảo với cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết. Cụ thể theo luật sư Tiền, việc đầu tiên cần làm khi phát hiện mình bị lừa đảo qua mạng là thu thập tất cả các thông tin như nội dung tin nhắn, số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa chuyển khoản… để làm chứng cứ tố giác với cơ quan chức năng.

“Sau khi có đầy đủ thông tin, chứng cứ chứng minh về việc lừa đảo, người bị hại có thể tố giác hành vi lừa đảo này tới Công an nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) để được giải quyết. Căn cứ theo quy định trên, tùy vào số tiền chiếm đoạt cũng như các tình tiết liên quan, người thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng có thể bị áp dụng mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc thậm chí là tù chung thân” – luật sư Tiền thông tin.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ thông tin về chủ sở hữu có tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…, thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Để chủ động phòng ngừa tội phạm, Công an thành phố Hà Nội cũng đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh để đối tượng lừa đảo lợi dụng, tuyệt đối không nên tham gia đầu tư, mua bán hàng online hoặc chuyển tiền cho những tài khoản ngân hàng mà mình không quen biết để tránh bị lừa.

Đặc biệt, khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Khi phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo Thương Trường