Suốt từ cuối tháng 9 đến gần giữa tháng 11, miền Trung phải hứng chịu nhiều trận bão lũ. Ruộng vườn nhà cửa tan hoang, người bị thương, người chết. Khắc phục hậu quả mưa lũ là hết sức khó khăn. Nhưng không chỉ có vậy, sau mưa lũ, bệnh tật lại “kéo đến”, mà ghê sợ nhất là bệnh Whitmore (Melioidosis), người dân vẫn gọi là bệnh “vi khuẩn ăn thịt người” chỉ vì sự khủng khiếp của nó.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa (Quảng Bình) hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước sạch sau ngập lụt Ảnh: Hương GIang.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa (Quảng Bình) hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước sạch sau ngập lụt Ảnh: Hương GIang.

Tại các tỉnh miền Trung, sau mưa lũ, vi khuẩn sinh sôi, từ đó cũng thêm nhiều trường hợp mắc bệnh Melioidosis (bệnh Whitmore). Tuy không gây thành dịch nhưng bệnh lại tiến triển nặng, tỉ lệ tử vong cao.

Thống kê của cơ quan y tế, từ đầu tháng 10 đến nay, tại khu vực các tỉnh miền Trung, nhất là với tỉnh 9 tỉnh/thành là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, đã xuất hiện (hoặc nguy cơ xuất hiện) bệnh nhân Whitmore. Bộ Y tế đã phải có công văn chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, gây tử vong nhanh. Bệnh tập trung ở những người trên 50 tuổi và có tiền sử bị đái tháo đường, sưng đau khớp gối, nhiễm trùng nặng, có bệnh nhân bị áp xe phổi. Đáng chú ý, do có biểu hiện lâm sàng đa dạng nên bệnh Whitmore rất dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh khác khiến việc điều trị không hiệu quả.

“Bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người và chưa có vaccine phòng bệnh. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không bảo đảm vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chí” – BS Cường khuyến cáo.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay đã ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh Whitmore. Bệnh do vi khuẩn gây ra. Sau mưa lũ, môi trường tại các vùng dân cư bị ô nhiễm là điều kiện để vi khuẩn phát triển. Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo, thời gian tới nguy cơ sẽ có thêm nhiều trường hợp mắc bệnh Whitmore.

Như vậy, cũng có nghĩa là sau mưa lũ, bệnh tật rất dễ ập tới, kể cả bệnh cực kỳ nguy hiểm tới từ “vi khuẩn ăn thịt người”- Whitmore. Do con người, kể cả động vật, đều có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với đất và bề mặt nước bị nhiễm vi khuẩn, do hít phải các hạt nước hoặc bụi li ti có nhiễm vi khuẩn, uống phải nguồn nước có vi khuẩn. Nguy cơ gây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với vết xây xước nhỏ ngoài da.

Về đối tượng dễ bị nhiễm bệnh, khác với BS Đỗ Duy Cường, từ thực tế điều trị hơn 1 tháng qua, BV Trung ương Huế cho rằng bệnh Whitmore gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, cả nam và nữ, thường thấy ở những đối tượng có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất và nước. Điều đó cũng có nghĩa rằng tất cả những người ở vùng lũ đều có thể bị Whitmore tấn công, tất nhiên người cao tuổi, người có tiền sử bệnh nền dễ gặp nguy hiểm hơn. Bệnh khó chẩn đoán và có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Tỉ lệ tử vong của bệnh này lên tới 40% nếu không được điều trị kịp thời.

Riêng với tỉnh Quảng Trị, qua đợt mưa lũ vưa rồi có tới 25 người bị mắc bệnh Whitmore, trong đó có 4 trường hợp tử vong (tính tới ngày 24/11). Theo BS Lê Văn Lâm- Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, BVĐK tỉnh Quảng Trị, những trường hợp tử vong đa số được phát hiện quá muộn và có bệnh nền nặng. Còn với BV Trung ương Huế, cùng thời điểm ghi nhận 28 bệnh nhân Whitmore (trong vòng 1 tháng), trong khi 9 tháng đầu năm chỉ có 11 ca. Chi phí điều trị cao song kết quả không khả quan.

Hiện bệnh Whimore đang là mối đe dọa với người dân mới trải qua lũ lụt ở miền Trung. Điều đó cần phải được nghiêm túc cảnh báo, không được coi nhẹ, càng không được coi đó giống như những bệnh thường xảy ra sau lũ (như đau mắt, đường ruột, bệnh ngoài da…). Bệnh Whitmore tuy không mới nhưng lại cực kỳ nguy hiểm với tỉ lệ tử vong cao, điều trị khó khăn, tốn kém, kéo dài do đó không được coi nó giống như chuyện “lũ đến rồi lũ lại đi”.

Nhưng ở khía cạnh khác, cũng không nên quá hoảng hốt, sợ sệt khi cho rằng bệnh này đến từ virus “ăn thịt người”. Virus cũng như vi khuẩn độc hại đều có thể gây bệnh tật, cướp đi mạng sống con người, nhưng không thể vì thế mà khuếch đại thành thứ “ăn thịt người”, làm xã hội hoang mang.

Trong việc này, phải tin tưởng vào ngành y tế, thực hiện đúng khuyến cáo, cảnh báo của ngành y tế. Không hoang mang hốt hoảng nhưng cũng không chủ quan coi thường. Đặc biệt, nếu coi thường thì rất có thể Whitmore sẽ biến thành dịch ở những vùng lũ lụt. Mà như thế thì khó khăn chồng lên khó khăn trong khi dịch Covid-19 vẫn rình rập.

Theo Miên Thảo – Daidoanket.vn

Link gốc: http://daidoanket.vn/canh-bao-benh-tat-sau-bao-lu-524960.html