-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Trong vòng 2 thập kỷ gần đây, chưa bao giờ người dân miền Trung gặp phải thiên tai lịch sử như vậy với “lũ chồng lũ, bão chồng bão”. Cũng chưa bao giờ Chính phủ và hệ thống chính quyền các cấp chủ động ứng phó bão lũ nhanh chóng, quyết liệt, rốt ráo và hiệu quả như vậy.
Nguồn thông tin từ báo chinhphu.vn: Chỉ trong vòng 30 ngày từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 10, miền Trung hứng chịu liên tiếp “tổ hợp” thiên tai với 8 loại hình: Bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất với mức độ khốc liệt. Có tới 5 cơn bão và các đợt lũ lớn xuất hiện trên 16 con sông chính tại khu vực, trong đó đã có 4 con sông vượt mức lũ lịch sử. Lượng mưa phổ biến từ 1.000 đến 2.000 mm, nhiều nơi mưa trên 3.000 mm.
Thể hiện bản lĩnh trước các biến cố đến từ thiên tai, lãnh đạo Chính phủ, các cấp, các ngành đã chỉ đạo và tổ chức triển khai rất nhanh, rất trách nhiệm, với sự thấu hiểu, đồng cam cộng khổ với người dân, những người vốn đã vất vả. Nhiều cuộc họp trực tuyến được gấp rút tổ chức, nhiều công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo đã được xây dựng và phát hành, qua hệ thống Chính phủ điện tử đến tận cấp cơ sở. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 công điện, Ban Chỉ đạo Trung ương đã có 19 công điện chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống bão lũ.
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp về tình hình mưa bão và xử lý khắc phục hậu quả mưa bão, quyết định hỗ trợ 5 tỉnh miền Trung mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo, 100 tỷ đồng. Cuộc họp kết thúc vào khoảng 16h chiều thì đến 17h, văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng được ban hành, gửi đến các cơ quan chức năng qua hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia để khẩn trương xuất tiền, xuất gạo hỗ trợ dân lúc “nước sôi, lửa bỏng”.
Ngay sau khi nhận thông tin về sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ và công nhân gặp nạn, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cử cán bộ vào tận hiện trường chỉ huy, huy động mọi lực lượng, phương tiện dân sự, quân sự, hàng không để tìm kiếm những người mất tích. Lúc đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đang công tác tại Khánh Hòa, nhận được báo cáo của cơ quan tham mưu, đã trực tiếp gọi điện cho đồng chí Man và đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ – Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu. Điện thoại không liên lạc được. Các cơ quan tham mưu kiến nghị Phó Thủ tướng nên chờ chuyến bay ra Huế, nhưng Phó Thủ tướng rất sốt ruột, linh cảm có chuyện chẳng lành nên cương quyết yêu cầu đi đường bộ, dù khoảng cách là khoảng 620km (có thể mất 10 tiếng đồng hồ). Trên đường di chuyển, do nước lũ tiếp tục dâng, Quốc lộ 1 có nhiều đoạn ngập lụt, chia cắt nên đoàn của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phải quay lại, bay vào TP. Hồ Chí Minh để đón chuyến bay sớm nhất ra Huế, vào tận hiện trường để chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn.
Sau mỗi đợt mưa lũ, Thủ tướng trực tiếp đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt và thăm hỏi, động viên, tặng quà người dân vùng tâm lũ. Thủ tướng đã đến Nghệ An thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4, nơi có 10 cán bộ, chí sĩ hy sinh ở Rào Trăng 3, đến thị sát, làm việc với các tỉnh miền Trung tại Quảng Bình (nơi bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai lịch sử).
Còn với bão số 9 (tên quốc tế là Molave) đi vào Biển Đông. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo công tác phòng chống rất sớm, ngay từ trước khi bão vào Biển Đông, đã thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo tại chỗ công tác ứng phó, huy động mọi lực lượng, phương tiện, kể cả các phương tiện hiện đại (máy bay, tàu kiểm ngư, xe lội nước…) ứng phó.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp khẩn tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai với sự tham dự của các địa phương miền Trung tại các đầu cầu trực tuyến. Vừa rời cuộc họp khẩn trương (diễn ra trong 30 phút), Thủ tướng tiếp tục đến Tổng cục Khí tượng Thủy văn điều hành cuộc họp trực tuyến với các đơn vị về công tác dự báo, cảnh báo và ứng phó với bão số 9.
Nguồn thông tin từ báo tin tức. Theo đó, từ đầu tháng 10 đến nay, bão lũ đã liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền Trung với phạm vi rộng, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” chưa từng có trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn.
Đã xảy ra 5 cơn bão (số 5, 6, 7, 8, 9) đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc và Trung Trung bộ gây ra mưa đặc biệt lớn, lũ lịch sử. Ngập lụt xảy ra trên diện rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12/10 và 19/10 có trên 317.000 hộ (1,2 triệu nhân khẩu) bị ngập lụt tại các địa phương từ Nghệ An đến Quảng Nam, nhiều nơi ngập sâu, có nơi kéo dài tới 15 ngày.
Trong đó, Quảng Bình là tỉnh bị ngập nặng nhất với trên 109.000 hộ (437.000 nhân khẩu), có nơi ngập sâu đến 2 – 3 m (tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh). Đặc biệt, các đợt bão chồng bão và mưa, lũ lớn liên tục gây ra nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng, nhất là tại Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên – Huế); Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 Hướng Hóa (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sỹ.
Nhờ sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò trực tiếp của các địa phương cùng sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của nhân dân trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ nên đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Tuy nhiên, mưa, lũ lớn, kéo dài, bão số 9 có cường độ mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi rộng, sức tàn phá rất lớn nên đã gây thiệt hại nặng nề, về người: 235 người chết và mất tích (riêng bão số 9: 80 người), về nhà ở: Trên 201.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái (riêng bão số 9 là trên 177.000 ngôi nhà), giao thông: Trên 1,8 triệu m3 đất, đá sạt lở (riêng bão số 9 làm sạt lở 744.000 m3), gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, cả quốc lộ, tỉnh lộ và các đường liên thôn, liên xã, gây khó khăn lớn cho công tác cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn.
Sơ bộ ước tính thiệt hại về kinh tế là khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại do bão số 9 là hơn 10.000 tỷ đồng (chưa kể nhiều cơ sở hạ tầng và hàng trăm km đê điều, kênh mương, bờ sông, bờ biển bị hư hỏng, sạt lở).
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp và nhân dân đồng loạt triển khai các hoạt động cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ, cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân, đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 11.500 tấn gạo (dự kiến tiếp tục hỗ trợ thêm khoảng 9.000 tấn gạo) và trên 1.000 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách Trung ương cùng nhiều trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, hàng dự trữ y tế, nhu yếu phẩm khác phục vụ kịp thời người dân bị ảnh hưởng.
Trong thời gian tới, Chính phủ xác định những nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài: Khắc phục nhanh các công trình hạ tầng bị sự cố, hư hỏng do bão, lũ, trong đó tập trung khôi phục hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc, giao thông, thủy lợi, đê điều, trường học, bệnh viện, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ…
Tập trung xử lý vệ sinh môi trường, nhất là nguồn nước cho sinh hoạt của người dân, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai, trước hết là với bão số 10 được dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực miền Trung trong những ngày tới. Cần rà soát, chủ động sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn hồ đập, an toàn cho hạ du… Tập trung hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất sau bão, lũ để sớm ổn định lại sản xuất và đời sống cho người dân.
Link bài viết: https://baodansinh.vn/chinh-phu-quyet-liet-ung-pho-voi-thien-tai-kip-thoi-20201103114349215.htm