Ông Joe Biden chuẩn bị có bài phát biểu trước quốc gia khi được coi là đắc cử tổng thống. Ông Joe Biden chuẩn bị có bài phát biểu trước quốc gia khi được coi là đắc cử tổng thống.

Ông Biden có thể gặp khó khăn trong việc đối phó với các chính phủ hy vọng ông Trump tái đắc cử, đặc biệt là Israel và Ả rập xê út – những quốc gia có ác cảm sâu sắc với Iran. Tuy nhiên, quá khứ của ông Biden với tư cách là người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và là Phó Tổng thống trong chính quyền ông Obama, đã giúp ông quen với các vấn đề quốc tế có thể có lợi cho mình – các chuyên gia ngoại giao cho biết.

Dưới đây là những chính sách đối ngoại cấp bách nhất mà chính quyền ông Biden sẽ phải đối mặt:

Thách thức quan hệ Mỹ – Trung

Dưới con mắt nhiều chuyên gia, không gì cấp bách hơn việc đảo ngược quỹ đạo đi xuống trong quan hệ với Trung Quốc – siêu cường kinh tế và đối thủ địa chính trị – mà ông Trump đã thúc đẩy, tạo ra cái mà nhiều người gọi là Chiến tranh lạnh mới.

Những tranh chấp về thương mại, Biển Đông, Hong Kong, Đài Loan và công nghệ đã lan rộng trong nhiệm kỳ của ông Trump, trong đó nhiều người cho rằng càng tồi tệ hơn trong các tuyên bố phân biệt chủng tộc của ông rằng Trung Quốc đã lây nhiễm virus corona cho thế giới và cần phải chịu trách nhiệm.

Giám đốc Orville Schell của Trung tâm Quan hệ Mỹ – Trung, thuộc Hiệp hội Châu Á cho biết: “Trung Quốc là cốt lõi trong các vấn đề chính sách đối ngoại của Mỹ”.

Ông Biden đã không có thái độ tiêu cực với Trung Quốc và lãnh đạo nước này trong chiến dịch tranh cử năm 2020. Hai bên từng được coi là đã có mối quan hệ thân thiện trong những năm ông Obama làm tổng thống. Tuy nhiên, có lẽ như một phần để chống lại các cáo buộc của ông Trump về việc “khoan dung” với Trung Quốc, ông Biden có thể sẽ có thái độ cứng rắn với Trung Quốc.

Theo Reuters, ông Biden đã cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh Mỹ trong việc đối đầu với Trung Quốc về thương mại và được cho là sẽ không sớm lùi thuế quan của người tiền nhiệm đối với thép, nhôm, hàng hóa Trung Quốc và châu Âu nhập vào Mỹ.

Các cố vấn của ông Biden cho rằng ông sẽ tìm cách chấm dứt “Chiến tranh thương mại” với châu Âu và sẽ tham vấn ngay lập tức với đồng minh của Mỹ trước khi quyết định về tương lai áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, nhằm tạo ra “đòn bẩy tập thể” chống lại Bắc Kinh.

Các cựu quan chức thương mại của chính quyền ông Trump và Obama nói rằng để giảm thuế đối với hàng Trung Quốc, ông Biden có thể sẽ yêu cầu Trung Quốc nhượng bộ cơ bản giống như ông Trump đã làm: Hạn chế trợ cấp lớn cho các công ty do nhà nước kiểm soát, chấm dứt các chính sách buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc và mở cửa thị trường dịch vụ kỹ thuật số của mình cho các công ty công nghệ Mỹ.

Trung Đông: Thay đổi đối với Israel, Ả rập xê út và Iran?

Ông Biden đã tuyên bố sẽ đảo ngược điều mà ông gọi là “thất bại nguy hiểm” trong chính sách Iran của ông Trump. Trước đó, ông Trump đã rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, tăng cường một loạt các lệnh trừng phạt, gây thiệt hại kinh tế sâu sắc ở Iran, và khiến Mỹ phần lớn bị cô lập về vấn đề này.

Ông Biden đã đề nghị tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân trên và cam kết hủy bỏ ngay lập tức lệnh cấm đi lại của ông Trump vốn đang ảnh hưởng đến Iran và một số quốc gia theo đạo Hồi khác.

Liệu Iran có chấp nhận cách làm của ông Biden hay không là điều chưa rõ ràng. Nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei của Iran từng nói rằng Mỹ không đáng tin cậy, dù ai ở trong Nhà trắng. Trong khi đó, Chủ tịch Cliff Kupchan của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia cho biết “Iran đang rất cần một thỏa thuận”.

Tuy nhiên, ông Kupchan nói rằng, ông Biden sẽ phải đối mặt với những khó khăn lớn trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Iran nhằm tăng cường các hạn chế đối với các hoạt động hạt nhân của nước này – những điểm yếu mà ông Trump từng viện dẫn để rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Chính sách Iran của ông Biden có thể khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu xa lánh. Người đứng đầu Israel đã tận dụng cách tiếp cận đối đầu của ông Trump để giúp tăng cường quan hệ giữa Israel với các nước Ả rập vùng Vịnh, đặc biệt là bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Bahrain. Sẽ là một thách thức khi ông Biden quản lý quan hệ với Ả rập xê út mà Iran coi là kẻ thù.

Trong khi ông Trump tạo điều kiện thuận lợi cho Israel trong cuộc xung đột kéo dài với người Palestine, thì ông Biden có thể chọn con đường khác và có thể khôi phục liên lạc với lãnh đạo Palestine.

Sửa chữa quan hệ với châu Âu và điều hướng Brexit

Trong khi ông Trump thường xuyên chê bai Liên minh châu Âu và khuyến khích Anh rút khỏi khối này, ông Biden lại có quan điểm ngược lại. Giống như cựu TT Obama, ông ủng hộ quan hệ thân thiết của Mỹ với các nhà lãnh đạo trong khối và phản đối Brexit.

Việc ông Biden làm chủ Nhà trắng có thể khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson khó xử. Thủ tướng Anh ủng hộ ông Trump và đã tính đến việc đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ trước khi Anh chính thức rời khỏi EU. Ông Biden có thể không vội vàng để hoàn thành một thỏa thuận như vậy.

Đối mặt với mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên

Ông Trump đã mô tả tình bạn và 3 cuộc gặp với Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là một thành công trong việc ngăn chặn chiến tranh với đất nước vũ trang hạt nhân này.

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng cách làm của ông Trump không những không thuyết phục được ông Kim từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa mà còn khiến ông Kim có thời gian để củng cố chúng. Tháng trước, Triều Tiên đã tiết lộ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất từ trước đến nay của họ.

Ông Biden chỉ trích cách làm của ông Trump và cho biết sẽ thúc đẩy phi hạt nhân hóa và “đứng về phía Hàn Quốc”, nhưng không nói rõ sẽ đối phó với sự hiếu chiến của Triều Tiên như thế nào.

Tên lửa của Triều Tiên.

Có thể cứng rắn hơn với Nga và TT Putin

Ông Biden từ lâu khẳng định sẽ có quan điểm cứng rắn hơn với Nga so với ông Trump – người từng nghi ngờ tác dụng của NATO, nghi ngờ cảnh báo của tình báo về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, đồng thời ngưỡng mộ TT Putin và cho rằng việc cải thiện quan hệ của Mỹ với điện Kremlin sẽ có lợi cho tất cả.

Trong khi đó, khi còn là phó Tổng thống, ông Biden đã thúc đẩy các lệnh trừng phạt chống lại Nga vì sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014.

Mặc dù căng thẳng với Nga có thể gia tăng nhưng việc kiểm soát vũ khí là lĩnh vực mà ông Biden và ông Putin có chung mong muốn đạt được. Ông Biden cho biết muốn đàm phán gia hạn hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới 2010 sắp hết hạn mà không cần điều kiện tiên quyết.

Quay lại Hiệp định Paris và các cam kết quốc tế

Ông Biden cho biết, một trong những hành động đầu tiên của ông trên cương vị tổng thống sẽ là tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu mà Mỹ đã chính thức rời bỏ dưới thời ông Trump. Ông Biden cũng nói rằng sẽ khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong Tổ chức Y tế thế giới mà ông Trump đã quay lưng.

Ông Biden dự kiến sẽ đảo ngược nhiều bước đi của chủ nghĩa biệt lập và chống người nhập cư được thực hiện trong chính quyền ông Trump. Ông Biden nói rằng sẽ giải tán các hạn chế nhập cư của ông Trump, dừng xây dựng bức tường biên giới với Mexico, mở rộng nguồn lực cho người nhập cư và cung cấp con đường trở thành công dân cho những người sống ở Mỹ bất hợp pháp.

Tuy nhiên, nhiều chính sách của ông Trump đã nhận được sự ủng hộ đáng kể ở Mỹ và vẫn còn phải xem liệu ông Biden có thể thay đổi chúng nhanh chóng hoặc hiệu quả như thế nào.

Theo The New York Times/ Reuters – giaoducthoidai.vn
Link bai viết: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/chinh-sach-ngoai-giao-voi-cac-nuoc-cua-ong-biden-khi-o-nha-trang-QArVO8hMR.html