-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Ngày 16/11, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Nhiều ĐB đã đề nghị không nên tách thành 2 luật, đồng thời không nên chuyển quản lý, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.
Không nên tách thành 2 luật
Theo ĐB Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị), việc Luật Giao thông đường bộ tách ra làm 2 luật là: Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ không phù hợp với chủ trương của Đảng về việc tập trung phát huy lực lượng Quân đội, Công an chính quy. Từ năm 1995, Bộ Giao thông vận tải nhận nhiệm vụ quản lý cấp giấy phép lái xe ô tô từ Bộ Công an. Khi đó cả nước có 127 cơ sở đào tạo lái xe. Từ chỗ còn thiếu thốn tới nay đã có hơn 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 339 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và có 135 trung tâm sát hạch lái xe ô tô đã được xã hội hóa 100%”- ông Sinh nói và cho rằng ngành Giao thông vận tải cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, không nên tách luật vì “không hợp lý” và chưa đúng tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương. Theo bà Thúy, quy định hiện hành, ngành Giao thông vận tải được pháp luật giao chủ trì quản lý nhà nước về các lĩnh vực giao thông vận tải từ đường thuỷ, đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không với 5 mục tiêu “không thể tách rời” là an toàn, thông suốt, thuận tiện, kinh tế và thân thiện với môi trường.
“Việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 hay nhiều luật chỉ có thể thực hiện khi mà yêu cầu đó xuất phát từ đòi hỏi nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Giao thông vận tải để thực hiện tốt hơn 1 hay 2 trong 5 mục tiêu trên”.
Theo ĐB Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau), mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông là trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, chứ không phải riêng ngành nào do đó không nên tách thành 2 luật. Cần xin ý kiến Quốc hội về việc tách luật. ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng tán thành với quan điểm trên.
1 nghề cho chín, còn hơn 9 nghề
Trước ý kiến cho rằng, chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn tồn tại là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông nên cần phải chuyển quản lý cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an, ông Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) đưa ra dẫn chứng: Thống kê cho thấy, số người chết do tai nạn giao thông tính trên 100.000 giấy phép lái xe được cấp đang giảm. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu do ý thức người tham gia giao thông và điều khiển phương tiện giao thông gây ra. Có tới 90% các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra đối với người điều khiển phương tiện giao thông có thâm niên lái xe từ 7-10 năm. Như vậy cho rằng chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn tồn tại là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông là chưa có cơ sở.
Vẫn theo ông Sinh: Hiện nay ngành Giao thông vận tải đang có khoảng 2.200 cán bộ công chức viên chức đảm nhận công việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Trong trường hợp chuyển sang Bộ Công an thì việc sắp xếp lực lượng lao động này sẽ như thế nào? Toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật có giá trị hàng nghìn tỷ đồng của ngành giao thông có nguy cơ bị lãng phí. Trong khi đó, ngành Công an tiếp tục đầu tư trang thiết bị bổ sung, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước. Trong thực tế, hầu hết các văn bằng, giấy tờ hành chính đều có giả, thậm chí có cả tiền giả. Giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, sổ hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân không phải ngoại lệ. Do đó nếu như cứ xuất hiện văn bằng giả, giấy tờ giả, tiền giả đang được quản lý bởi cơ quan này thì lại chuyển sang cơ quan quản lý khác rất không hợp lý, gây rối xã hội.
“Từ tình hình thực tế tôi đề nghị không chuyển thẩm quyền quản lý, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an”- ông Sinh nói. Còn nói như lời ĐB Nguyễn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) thì: “Với lập luận chuyển sang cơ quan công an quản lý sát hạch, đào tạo để chống tình trạng làm giả bằng cấp, giấy tờ là không thuyết phục. Bởi nạn làm giả giấy tờ không phải từ các cơ sở đào tạo, sát hạch mà Bộ Giao thông vận tải đang quản lý”.
Ông Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho rằng: Hiện đang có 126 ngàn công an xã đang bị dôi dư, ảnh hưởng tới tâm tư của lực lượng công an xã và nhân dân nên Bộ Công an đã ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để giải quyết lực lượng dôi dư này. Hiện chúng ta đã ký kết hiệp ước với 85 quốc gia, nếu thay đổi sẽ gây tốn kém do thay đổi cấp lại giấy phép lái xe trong khi Chính phủ đang kêu gọi tiết kiệm, dành nguồn lực để phát triển đất nước. Ngay giấy tờ do ngành Công an cấp như hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân cũng bị làm giả, thậm chí có cả công an giả để lừa dân. Do đó không nên để quyền lực vào một số bộ ngành nào đó để tránh đặc quyền, đặc lợi.
“Chưa thấy ai giả danh nông dân vì có giả cũng chả lừa được ai. 1 nghề cho chín, còn hơn 9 nghề. Hiện tội phạm ma túy, giết người đang gia tăng cần được kiềm chế. Do đó ngành Công an cần giải quyết vấn đề trên để quốc thái, dân an là nhân dân mừng lắm rồi, không cần nhận thêm nhiệm vụ”- ông Hận bày tỏ quan điểm không nên chuyển quản lý cấp phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.
Quốc hội quyết định cho phép TP Hồ Chí Minh bỏ HĐND quận, phường
Cùng ngày, với 87,14% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM. Nghị quyết này quy định chính quyền đô thị tại TP HCM gồm: Chính quyền địa phương ở TP HCM có HĐND và UBND. Ở quận và phường không có HĐND mà chỉ có UBND. Ngoài ra, khi không còn HĐND quận thì HĐND Thành phố sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận với thời hạn, thời điểm, trình tự được thực hiện theo quy định của Quốc hội. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND Thành phố đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức; trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND Thành phố đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 và việc tổ chức chính quyền đô thị được thực hiện từ ngày 1/7/2021.