Ngay sau khi phát hiện văn bản giả mạo này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk để chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Công an tỉnh khẩn trương vào cuộc xác minh, điều tra xử lý nghiêm đối tượng làm giả mạo văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Văn bản giả mạo có số 165/SGDĐT-VP ngày 17/2/2021 và bên dưới ghi tên, chữ ký của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa và dấu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk.

Về nội dung văn bản, thời gian cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 28/2/2021, khi văn bản này lan truyền trên mạng xã hội đã gây hoang mang cho phụ huynh, học sinh trên địa bàn, vì ngày đầu tiên học sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết: Ngày 17/2, ông không có ký văn bản nào cho học nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 cả. Văn bản trên là văn bản giả mạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, gây hoang mang, lo lắng cho phụ huynh, học sinh trên địa bàn.

Văn bản giả mạo

Tại tỉnh Lâm Đồng trước đó vào ngày 15/2, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản (số 969/UBND-VX1) về việc cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên, học viên đi học trở lại từ ngày 17/2. Đến tối cùng ngày, trên một số trang mạng xã hội lại xuất hiện văn bản tương tự, nhưng trong đó ghi thời gian đi học trở lại là 1/3. Nhiều người hoang mang vì không biết căn cứ vào mốc thời gian của văn bản nào để quay trở lại trường học.

Nhận định văn bản xuất hiện vào tối 15/2 là giả mạo, lực lượng An ninh mạng (Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Lâm Đồng) và công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp điều tra và đã triệu tập 4 học sinh THPT ở Bảo Lộc để làm rõ hành vi giả mạo văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng

Bước đầu N. H. L (16 tuổi, học sinh lớp 10) khai nhận đã lên mạng xã hội tải văn bản 969/UBND-VX1 ngày 15/2 của UBND tỉnh Lâm Đồng, sau đó dùng công cụ photoshop chỉnh sửa ngày 17/2 thành ngày 1/3, rồi gửi văn bản đã qua chỉnh sửa cho nhóm chat bạn bè, với mục đích trêu đùa. Tuy nhiên, sau đó văn bản giả mạo bị phát tán rộng rãi khiến nhiều người không xác định được mốc thời gian chính xác để đi học trở lại.

Tại cơ quan điều tra, N. H. L và nhóm bạn đã nhận thức được các hành vi trên là vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ vụ việc để xử lý theo quy định.

Theo Lê Nhuận – Baodansinh.vn

(Link gốc: https://baodansinh.vn/dak-lak-thong-tin-cho-hoc-sinh-nghi-hoc-den-het-ngay-28-2-2021-la-tin-gia-20210218112808818.htm)