Cô Nguyễn Hải Yến (Trường Tiểu học Phan Đình Giót – Thanh Xuân, Hà Nội) tham dự Hội thi GV giỏi với tiết dạy Khoa học bài “Phòng bệnh sốt xuất huyết”. 	Ảnh: NTCCCô Nguyễn Hải Yến (Trường Tiểu học Phan Đình Giót – Thanh Xuân, Hà Nội) tham dự Hội thi GV giỏi với tiết dạy Khoa học bài “Phòng bệnh sốt xuất huyết”. Ảnh: NTCC

Tham dự các cuộc thi giáo viên (GV) dạy giỏi được xem như hoạt động giúp thầy cô khẳng định chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm, sử dụng sáng tạo hiệu quả đồ dùng dạy học; từ đó nâng cao chất lượng GD cho học sinh.

Cơ hội để GV “nâng cấp”  

Cô Nguyễn Hải Yến – GV khối 5 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: Dù là cuộc thi cấp trường, song các tiết dạy của GV tham dự đều mang tinh thần tích cực, chuẩn bị chu đáo cho bài giảng, phương pháp phù hợp với từng bộ môn, tài liệu dạy học.

Hầu hết các tiết dạy bảo đảm được nội dung trọng tâm, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, tính chính xác, khoa học, hệ thống, chú trọng tính giáo dục và gắn bài giảng với thực tiễn. GV đều vững vàng, có kiến thức sâu rộng, vốn hiểu biết và tích hợp khéo léo các môn học vào nội dung bài dạy, ngôn ngữ sử dụng chuẩn mực, xử lý tốt tình huống sư phạm.

Cô Nguyễn Hải Yến cũng cho rằng: Nhiều tiết dạy thể hiện được tinh thần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. GV đã mạnh dạn thể nghiệm những phương pháp, kỹ thuật dạy học mới. 100% các tiết dạy sử dụng công nghệ thông tin (CNTT), trong đó có nhiều tiết dạy đã vận dụng hợp lý, mang lại hiệu quả cao.

Theo cô Nguyễn Hải Yến, hội thi trở thành ngày hội chuyên môn, tạo cơ hội cho GV thể hiện tài năng sư phạm, trao đổi, học hỏi những vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận  phương pháp, kỹ thuật dạy, đồng thời hóa giải vấn đề còn vướng mắc, tồn tại trong giáo dục. Hội thi là dịp để phát hiện, bồi dưỡng GV dạy giỏi làm nòng cốt, từ đó nhân rộng điển hình, phổ biến kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng trong phương pháp giảng dạy.

Thầy Tạ Văn Kha – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ (Quản Bạ – Hà Giang) cũng cho rằng: Hội thi GV dạy giỏi dù ở cấp trường, phòng hay tỉnh đều là dịp để các thầy, cô trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy, tổ chức lớp học; tạo động lực cho GV phấn đấu, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp.

Hơn thế thầy Kha cũng đánh giá: Hội thi GV dạy giỏi là một trong những căn cứ cần thiết để đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đây ngành Giáo dục các địa phương, nhà trường có thể bổ sung, điều chỉnh biện pháp quản lý chỉ đạo chuyên môn và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho GV, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Trong giờ học tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội). Ảnh: NTCC

Tăng “chất” cho hội thi GV giỏi

Nói về việc tăng “chất” cho hội thi GV THPT dạy giỏi vừa diễn ra, ông Đỗ Minh Tâm – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai chia sẻ kinh nghiệm: Ban tổ chức (BTC) đã chỉ đạo trường, phòng thực hiện nghiêm túc thể lệ hội thi, đề cao tinh thần làm việc công bằng, khách quan.

Mọi hoạt động của hội thi đều do BTC điều hành, giám sát, đôn đốc tiến độ, kiểm soát chất lượng công việc; qua đó kịp thời chỉ đạo, rút kinh nghiệm trước những vấn đề phát sinh.

Năm nay, mỗi GV dự thi sẽ tham gia 2 nội dung: Báo cáo biện pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy bộ môn và dạy thực hành. Các tổ giám khảo thực hiện nghiêm túc sự phân công, điều hành của trưởng ban giám khảo và thể lệ hội thi do BTC xây dựng.

Bài dự thi của nhà giáo ở cả 2 nội dung thi đều được ít nhất 3 giám khảo chấm độc lập. Sau khi kết thúc chấm, phiếu chấm sẽ niêm phong chuyển cho thư ký lưu giữ. Việc nhập điểm do tổ thư ký thực hiện có giám sát của BTC, bảo đảm chính xác, khách quan.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Lào Cai cũng cho biết: Việc phân công giám khảo  theo nguyên tắc không chấm vợ, chồng, cha, mẹ, anh, chị, em ruột của nhà giáo dự thi. Phần dạy thực hành, GV dự thi bốc thăm ngẫu nhiên bài dạy, thực hiện nguyên tắc GV dự thi biết thông tin về tiết dạy trước 2 ngày; giám khảo biết thông tin về giờ dạy trước 1 ngày; giám khảo không chấm GV công tác cùng trường dự thi; GV chưa biết bài dạy thực hành hoặc có bài dạy thực hành cùng nội dung không được dự giờ của đồng nghiệp
dạy trước…

Tại Ninh Bình, hội thi GV dạy giỏi cấp THPT vừa diễn ra với 121 GV dự thi. Để bảo đảm chất lượng, GV dự thi là những gương mặt tiêu biểu được lựa chọn, đại diện cho 24 trường THPT toàn tỉnh ở 6 bộ môn dự. GV dự thi phải trải qua 2 phần thi: Thực hành dạy 1 tiết theo kế hoạch giảng dạy và phần thi trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân.

Để đạt danh hiệu “GV dạy giỏi”, phần thực hành tiết dạy được ít nhất 2/3 số giám khảo đánh giá đạt loại giỏi và không có giám khảo đánh giá loại trung bình trở xuống. Phần trình bày biện pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy phải được ít nhất 2/3 số giám khảo đánh giá mức đạt…

Có thể thấy, hội thi GV giỏi các cấp có những bước tiến về chất lượng nên GV bước ra từ các hội thi đều vững vàng hơn về chuyên môn, kiến thức, phương pháp, từ đó tăng cường chất lượng giảng dạy.

Tuy nhiên, để cuộc thi GV dạy giỏi các cấp phát huy vai trò, ý nghĩa, tránh tình trạng tham dự theo phong trào và hình thức… đòi hỏi khâu tổ chức từ các địa phương, nhà trường phải khơi lên sự sáng tạo, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm của GV.

Làm sao để mỗi GV đều khẳng định được năng lực dạy học, trưởng thành hơn chuyên môn, có bề dày kinh nghiệm về giảng dạy, tổ chức lớp học. Đặc biệt hội thi cần tạo động lực cho GV tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện bản thân, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp.

Theo Đức Trí – Giaoducthoidai.vn

Link bài viết: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/de-hoi-thi-giao-vien-day-gioi-khong-phong-trao-va-hinh-thuc-Ju79cooGR.html