-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Đền Trầm Lâm và huyền thoại về vua Hàm Nghi
Rời thành phố Hà Tĩnh vào lúc trời đã xế chiều, khi phố xá đã bắt đầu lên đèn. Qua cầu Khe Giao bắt đầu hoang vắng, hơi rùng mình nhưng lại thỏa chí vô cùng. Nghe trọn vẹn tiếng gió rừng núi không hề có tạp âm động cơ và thỏa mãn vô chừng khi liên tưởng về ký ức vùng đất Hương Khê hơn một thế kỷ trước. Ngày Vua Hàm Nghi về xây thành Sơn Phòng vào tháng 6/1885 để bắt đầu cho sự nghiệp Cần Vương khi ông mới tròn 14 tuổi chắc gió rừng ở vùng này cũng vi vút tâm linh và dữ dội lắm.
Cụ Lê Khắc Tùng, đạo chủ thứ 14 được dân làng tín nhiệm giao phó bảo quản các báu vật của vua Hàm Nghi tặng dân làng Phú Gia trước khi đức vua rời vào Rú Quạt (Quảng Bình) kháng chiến, dẫn tôi đứng giữa trung tâm thành Sơn Phòng khi hoàng hôn bắt đầu buông. Hơn 122 năm lịch sử đi qua, tòa thành đất rộng bốn mươi hai nghìn mét vuông chỉ còn lại dấu tích của những lũy đất cao không quá đầu người. Đất đá có lúc cũng không thể trơ gan cùng tuế nguyệt trong cõi nhân gian. Trong thành người ta đã trồng lúa và ngô từ nhiều năm trước. Hào nước sâu thuở xưa chỉ còn lại là những vũng nước đọng um tùm cỏ lác. Chưa ai lý giải chính xác tại sao vua Hàm Nghi và đại thần Tôn Thất Thuyết lại chọn địa điểm này xây thành kháng chiến nhưng khí chất địa linh thì vẫn tồn tại đến hôm nay. Phóng mắt qua những lũy đất thành Sơn Phòng, hậu thế vẫn cảm nhận rõ cái dáng thế thành trong thành giữa bốn bề rừng núi biên ải. Tương truyền, khi vua Hàm Nghi và quan, quân kháng chiến về Phú Gia, người dân trong vùng đã bỏ hết công việc đồng áng cùng quan quân tập trung xây lũy đắp thành cả ngày lẫn đêm. Chỉ trong vòng một tháng, tòa thành hình chữ nhật mỗi cạnh hơn 200 mét , chân rộng 9 mét, cao 7 mét có hào nước sâu 2 mét bao quanh đã hoàn thành. Thành có bốn cửa Đông, Tây, Nam, Bắc và phía trong có đầy đủ công trình phục vụ việc bố phòng. Nhưng chỉ khoảng 3 tháng sau, vua Hàm Nghi đã quyết định bỏ lại tòa thành này chỉ vì một huyền thoại.
Chuyện kể rằng, vào đêm 20/9/1885, Hàm Nghi nằm chiêm bao thấy một nữ thần báo mộng: “Bọn bạch quỷ đang bao vây. Cần định liệu ngay!”. Tỉnh dậy toát mồ hôi, vua liền vời các bô lão trong làng Phú Gia vào hỏi chuyện biết được người báo mộng cho mình chính là nữ thần đền Trầm Lâm trong vùng. Ngay sau đó, vua đã thiết triều giao cho Tôn Thất Thuyết cùng các đại thần vào đền làm lễ tạ ơn và sắc phong nữ thần là “Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm kiêm Lục Quốc Thanh Y anh linh diệu ngọc linh ứng thiên thần” rồi rời khỏi thành Sơn Phòng vào Rú Quạt, một vùng rừng hiểm trở thuộc huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình tiếp tục kháng chiến. Quả nhiên, sau khi quan quân Hàm Nghi rút khỏi Sơn Phòng thì giặc Pháp kéo tới truy lùng ông. Cảm cái tình người vùng đất địa linh, trước khi lên đường, vua Hàm Nghi đã tặng cho dân làng Phú Gia một vi bố (màn vua nằm – PV) bằng gấm có gắn 36 lục lạc bằng đồng, 8 bộ áo mũ triều thần, 20 cờ lộng , 1 con voi bằng đồng, 2 con voi bằng vàng, một cặp kiếm lệnh và 37 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn. Trong các đạo sắc này có một đạo sắc của Hàm Nghi phong cho Hầu Công Kiến Quốc nguyên Huân Dương Chính tướng quân đề Hàm Nghi nguyên niên (Hàm Nghi năm thứ nhất, tháng 9 ngày 25) không có đại triện. Theo sử liệu, có lẽ đây là đạo sắc duy nhất của vua Hàm Nghi phong thần ở nước ta.
Những báu vật vua ban đã tồn tại trong lòng dân ở Phú Gia hơn 122 năm qua. Cái cách mà những người dân nơi đây lưu giữ, bảo tồn báu vật có lẽ cũng là độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Phú Gia vẫn là một vùng thuần nông nghèo. Căn nhà đang lưu giữ bảo vật nằm ở rìa làng, sát ruộng lúa lại lụp xụp nghèo nàn hơn. Cụ Lê Khắc Tùng, khăn đóng áo dài rồi kính cẩn thắp lên bàn thờ Đức Hàm Nghi (người dân Phú Gia từ già đến trẻ đều gọi vua Hàm Nghi là “Đức Hàm Nghi”) nén hương xin phép cho tôi bấm máy. Bức chân dung Hàm Nghi lên ngôi và vào rừng kháng chiến khi mới mười bốn tuổi tóc búi phía sau và đôi mắt quắc thước của một chiến binh được vẽ trên vải bố dần phủ mờ khói hương trong ngôi nhà ba gian còn che phên nứa và rèm lá cọ. Một khoảng sân nhỏ trước bàn thờ vua được gia chủ rào kín và không một ai ngoài đạo chủ được bước chân vào mỗi lần làm lễ cúng vua. Gần 70 hiện vật vua ban được để trong một két sắt và hai cái tủ đứng ngay cạnh bàn thờ. Mỗi lần muốn mở tủ phải làm lễ cúng. Cụ Tùng kể rằng, ai trong làng được chọn lưu giữ báu vật vua ban và lập bàn thờ Đức vua là cả một niềm vinh dự truyền từ đời này qua đời khác. Gia đình cụ là đạo chủ thứ 14 trong làng có được niềm vinh hạnh ấy. Trong những năm đói khát trước đây, đã có lúc một tay trùm đồ cổ từ Thái Bình vào gạ đổi 2,5 tấn gạo để lấy cặp kiếm lệnh nhưng đã bị dân làng đuổi đi. Từ năm 1954 đến năm 1966, đề phòng mất trộm và chiến tranh tàn phá, một đạo chủ khác là cụ Trần Văn Dơn đã phải khoét rỗng cột nhà để cất dấu bảo vật.
Suốt hơn trăm năm qua, ở vùng quê nghèo này đã tồn tại bao phủ một màn sương huyền thoại siêu linh, trở thành một hàng rào có uy lực vô hình giữ gìn báu vật. Đến nay người Phú Gia còn kể cho nhau nghe hàng ngày một câu chuyện nhuốm màu huyền tích rùng rợn: Hơn bảy mươi năm trước đây, một đạo chủ đã phạm húy để hai con trai mang một con voi vàng sang Lào đổi lấy 42 con trâu nhưng trên đường về đến dốc Chân Trụt (xã Hương Vĩnh ngày nay) thì một người đã bị trâu húc chết. Cùng lúc đó, vợ người con trai còn lại ở nhà đã bỏ con trai mới sinh vào nồi luộc chết mà không hề biết mình đang làm gì! Sức mạnh từ huyền thoại này đến nay vẫn không cũ ở Phú Gia. Và nếu tất cả các huyền thoại đều trở thành sức mạnh bảo tồn thì có lẽ ở đâu cũng rất cần.
Sắc thu dậy lên tý tách trên cả một miền sơn cước. Trước đền Trầm Lâm, các vị đạo chủ đất Phú Gia quây quần bên ấm chè xanh “cắm đũa” tiễn khách. Quẻ âm dương do đạo chủ Lê Khắc Tùng gieo thành công trong lần đầu tiên hứa hẹn một chuyến đi suôn sẻ cho người đến từ phương xa. Thượng điện đền Thánh Mẫu Trầm Lâm nghi ngút khói trầm lan tỏa. Hơn thế kỷ trước Người đã độ trì báo mộng cho Đức Hàm Nghi thoát nạn, giờ đây Thánh Mẫu linh thiêng lại hiển linh chở che cho miền biên ải này vững chãi. Vững chãi, son sắt như tình người, tình đất Phú Gia./.