-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể
Liên quan đến giao thông đường sắt đô thị, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận: “Đây là một loại hình giao thông hiện đại, giúp chống ùn tắc giao thông rất hiệu quả ở các thành phố lớn và trong thời gian vừa qua, kể cả Bộ GTVT làm chủ đầu tư, TP Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội đều làm chủ đầu tư nhiều dự án. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua đã bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề chậm tiến độ…”
Không để các dự án đường sắt đô thị sai hẹn thêm nữa
Hôm nay 3/11, Quốc hội thảo luận về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước. Quan tâm đến tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nêu, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang bùng nổ về dân số, gây áp lực lớn đối với cơ sở hạ tầng, là điểm nghẽn để phát triển bền vững của 2 thành phố.
Do đó, việc xây dựng đường sắt đô thị được coi là cứu cánh của 2 thành phố này. Như tại Hà Nội, tổng mức đầu tư là 30 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện một số tuyến đang phát triển ở một số bước khác nhau, nhưng triển khai có vấn đề, còn chậm tiến độ, đội vốn, gây bức xúc trong dư luận. Do đó ông Thường cho rằng: “Các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương rút kinh nghiệm cho các dự án triển khai sau này”.
Phân tích kỹ hơn, theo ông Nguyễn Phi Thường, cả 2 thành phố lớn này đều không được thiết kế theo hướng chú ý đến không gian đô thị, mà hiện chỉ là “cảnh quan nhà phố – kinh tế vỉa hè và văn hóa xe máy”.
Đại biểu đề nghị cần phải quy hoạch và phát triển đô thị đồng bộ, cần gắn kết chặt chẽ với tái mô hình không gian đô thị, tái cấu trúc không gian đô thị xung quanh các nhà ga…
Cùng đó, ông còn băn khoăn vì hiện nay Việt Nam chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về không gian đô thị, việc tích hợp công nghệ toàn mạng còn đang khó khăn.
“Hơn nữa, hiện các dự án đường sắt đô thị chủ yếu dựa vào nguồn ODA và từ ngân sách nhà nước, nhưng huy động vốn ODA còn khó khăn và ngân sách thì hạn hẹp, do đó cần huy động đầu tư tư nhân, để tư nhân khai thác các tuyến còn dư địa”, đại biểu nói.
Nhắc đến dự án đường sắt đô thị Nhà ga Cát Linh – Hà Đông, theo vị đại biểu đoàn Hà Nội: “Dự án còn khá nhiều vướng mắc như thanh toán, nghiệm thu và an toàn hệ thống, đề nghị cần sớm giải quyết các vướng mắc để dự án này không sai hẹn, không để bức xúc dư luận thêm nữa”.
Rút ra những bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, liên quan đến giao thông đường sắt đô thị, đây là một loại hình giao thông hiện đại, giúp chống ùn tắc giao thông rất hiệu quả ở các thành phố lớn.
Và trong thời gian vừa qua, ông Thể cho biết, kể cả Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội đều làm chủ đầu tư nhiều dự án.
“Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua đã bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề chậm tiến độ, Chính phủ cũng đã chỉ đạo họp rất nhiều và các thành phố cùng với Bộ GTVT cũng đã họp rất nhiều”, Bộ trưởng GTVT nói.
Về giao thông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Thể cho biết hiện Bộ GTVT cho nghiên cứu 7 tuyến đường cao tốc ĐBSCL, sau đó sẽ lựa chọn tuyến quan trọng để triển khai.
Hết nhiệm kỳ tới, dự kiến đến năm 2025 sẽ có thêm hơn 200km đường cao tốc, nâng cấp một số đoạn tuyến hiện tại để tăng kết nối giao thông tại khu vực ĐBSCL.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, năm 2020 bố trí 40 nghìn tỷ đồng phải giải ngân, đến thời điểm cuối tháng 10, Bộ đã giải ngân đạt 29 nghìn tỷ đồng, cao hơn tốc độ bình quân chung cả nước.
Qua những dự án hiện nay, ông Thể khẳng định, “chúng tôi cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc”, trong lựa chọn đầu tư, lựa chọn đối tác, đấu thầu… Bộ trưởng cũng đưa ra nhiều giải pháp để thời gian tới khi triển khai các dự án mới tránh đi vào vết xe đổ này.
Thanh Nhung – Báo dân sinh
Link bài viết: https://baodansinh.vn/duong-sat-cat-linh-ha-dong-dai-bieu-sot-ruot-bo-truong-nguyen-van-the-noi-du-an-boc-lo-nhieu-van-de-20201103143216163.htm