-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Theo Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 – 2025, chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021 của Bộ GD&ĐT, ngành GD sẽ triển khai đưa kiến thức phòng chống thiên tai trở thành nội dung học tập trong nhà trường.
Thí điểm trạm quan trắc thời tiết tự động trong trường học
Tại Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội), Đài khí tượng thủy văn Đồng bằng Bắc Bộ (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ TN&MT) đã thí điểm lắp đặt Trạm quan trắc thời tiết tự động cho trường.
Việc lắp đặt Trạm đo khí tượng tự động trong không gian vườn Sinh- Địa của nhà trường phục vụ khai thác theo thời gian thực các số liệu thời tiết cơ bản, bao gồm: Gió, mưa, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất. Dữ liệu được truyền và lưu vào hệ thống máy chủ của Đài, đồng thời, hiển thị tại chỗ trên các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng, laptop… của nhà trường.
Sau thời gian cho HS sử dụng trạm đo vào thực hành môn Địa lý, cô Đào Thị Hồng Hạnh- Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn cho biết, Trạm đo thời tiết tự động là một giáo cụ trực quan nhằm giới thiệu cho HS cách đo đạc thu thập số liệu về khí tượng, khí hậu… Đây là bước tiến rõ nét của nhà trường trong đẩy mạnh công tác phổ biến kiến thức về khí tượng thủy văn (KTTV), phòng chống thiên tai.
Từ lợi ích của việc hợp tác với đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc Bộ “Về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Khí tượng Thủy văn, Phòng chống thiên tai và Biến đổi khí hậu’’, các thầy cô giáo của tổ Tự nhiên 2 đã chủ động tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho HS trong học tập bộ môn Địa lý và rèn luyện kỹ năng sống cho các em. HS khối 6 có cơ hội được quan sát dụng cụ đo nhiệt độ, độ ẩm, khí áp và thực hành tính nhiệt độ trung bình/ngày, dựa vào các số liệu quan sát được để phân tích về khí hậu Việt Nam. Qua đó, các em được trang bị kiến thức cần thiết để sống thích ứng, có kĩ năng quan sát, ứng phó, phòng tránh khi gặp thiên tai và đặc biệt, biết sống xanh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng…
Em Nguyễn Hoàng Lan- HS Trường THCS Bế Văn Đàn cho biết: Môn Địa lý không còn khô khan mà có thêm nhiều màu sắc, qua sự hướng dẫn của thầy cô, lại được tiếp cận với giáo dục trực quan sinh động, chúng em dễ dàng nhận thức được các hiểm họa do thiên tai, cách ứng phó và giảm nhẹ rủi ro tại chỗ, tự bảo vệ bản thân khi xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Tuyên truyền phòng chống thiên tai cho HS.
Mới đây, Đài khí tượng thủy văn Đồng bằng Bắc Bộ đã lắp đặt thêm 1 điểm Trạm quan trắc thời tiết tự động tại Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Nhà trường đang hoàn tất cảnh quan của khu vườn Địa- Sinh quanh Trạm quan trắc để có không gian tổ chức các dạy kiến thức về thời tiết, thiên tai, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, bắt nhịp với kế hoạch của Bộ GD&ĐT.
Giáo viên cần tập huấn, tư liệu cần chuyên sâu
Cô Nguyễn Minh Huyền- GV Địa lý trường THPT Chương Mỹ B cho biết: “Hiện nay, nội dung giáo dục phòng chống thiên tai nằm trong chương trình Địa lý lớp 12, bài 15 về Bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai. Trong đó phần nội dung phòng chống thiên tai đề cập đến 4 loại thiên tai chính: bão, lụt, hạn hán và lũ quét. Để dạy học nội dung này, tôi cho HS xem một Video về thiên tai để HS liệt kê, tìm hiểu từng loại thiên tai sau đó chia thành từng nhóm để tìm hiểu cụ thể về nơi xảy ra thiên tai, hậu quả và giải pháp ứng phó. Tôi cũng cho HS liên hệ với thực tế ở địa phương để các em nêu được những loại thiên tai xảy ra, ảnh hưởng của thiên tai đến đời sống của con người và thiên nhiên, từ đó nhận biết được cách phòng chống từ địa phương cũng như kỹ năng ứng phó với thiên tai từ bản thân…”
Theo cô Huyền, việc hướng dẫn HS tạo ra các sản phẩm cụ thể như, thiết kế poster cảnh báo thiên tai, các biện pháp ứng phó cơ bản khi có thiên tai; dựng clip về thiên tai sau đó thuyết trình những diễn biến, hậu quả của thiên tai, cách phòng chống, ứng phó cụ thể của từng địa phương sẽ giúp HS không chỉ nắm bắt được kiến thức lĩnh vực này mà còn có thể phát triển các năng lực khác của bản thân…
Cô Nguyễn Minh Hiền nhận định, việc đưa đưa kiến thức phòng, chống thiên tai trở thành một nội dung học tập trong các nhà trường là rất cần thiết. Để nội dung này thực sự hiệu quả, ngành GD cần quan tâm tập huấn chuyên sâu, cụ thể cho GV về chuyên đề này, đồng thời ban hành tài liệu, tư liệu tranh, ảnh, video phù hợp để nội dung học vừa sinh động, vừa gần gũi, có tác dụng trang bị kiến thức và kỹ năng ứng phó với thiên tai, bảo vệ môi trường với HS… Bên cạnh đó, cần đầu tư cho các trường giáo cụ trực quan liên quan đến KTTV để GV hướng dẫn HS tiếp thu kiến thức phòng chống thiên tai phù hợp với thực tiễn, tránh chỉ thiên về lý thuyết không có tác dụng bồi dưỡng kỹ năng ứng phó với tình hình biến đổi thời tiết cục đoan hiện nay…
Các kiến thức về phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu cần phải được đưa vào các chương trình đào tạo cho học sinh và sinh viên trong nhà trường từ những cấp thấp như tiểu học đến những cấp cao nhất như đại học. Tuy nhiên, các kiến thức này phải được hiệu chỉnh về nội dung và phương thức áp dụng cho phù hợp với từng cấp.
Ở các cấp thấp như tiểu học hay trung học, môn học phù hợp để lồng ghép các kiến thức này có thể là Giáo dục công dân, Địa lý hay các hoạt động ngoại khóa, các hình thức thăm quan hay tọa đàm với chuyên gia ngay tại lớp.
Các trường đại học cũng cần có những bộ môn chuyên sâu về khoa học và công nghệ liên quan đến đánh giá mức độ nguy hiểm, ước lượng rủi ro do thiên tai và các biện pháp phòng chống thiên tai.
Một điều rất đáng lưu ý là, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có trường đại học nào đào tạo những kiến thức chuyên sâu về địa chấn học và động đất và điểm yếu này cũng cần được khắc phục. Bởi tất cả các công trình quan trọng của quốc gia như: Điện hạt nhân, thuỷ điện, quy hoạch và phát triển đô thị,… đều cần đến các chuyên gia về động đất nghiên cứu, dự báo nguy cơ, tránh hệ luỵ cho các thế hệ sau. – PGS.TS Nguyễn Hồng Phương- Viện Vật lý địa cầu
Theo Hoàng Anh – Giaoducthoidai.vn
(Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/gd-phong-chong-thien-tai-bang-giao-cu-truc-quan-sac-mau-va-sinh-dong-WaXIgtfMg.html)