-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Tháng Mười, những cơn đại hồng thủy liên tiếp đổ xuống khiến vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) ngập trong biển nước. Mưa đến “úng đất”, cây cối, hoa màu, gia súc, gia cầm…chết như ngả rạ. Thế nhưng, chưa đầy 2 tháng sau, sự sống đã tái sinh ngay trên vùng “đất chết”, người dân vùng lũ Hà Tĩnh đang hối hả sản xuất, tràn đầy sinh lực…
Sự sống hồi sinh trên vùng tâm lũ huyện Cẩm Xuyên.
Nông nghiệp tái sinh
Ở nơi “gánh hai đầu đất nước” Hà Tĩnh, bão, lũ xảy ra triền miên. Mỗi năm, người dân nơi đây phải hứng chịu hàng chục trận bão, lũ, lốc xoáy, nắng nóng…Nhưng dù có bị bão tố vùi dập bao nhiêu đi chăng nữa, người dân nơi đây vẫn bền gan, vững chí, tự lực vươn lên.
Trong lũ, đồng bào ở khắp mọi miền Tổ quốc hướng về chia sẻ khó khăn, mất mát với người dân Hà Tĩnh nhưng không vì thế mà người dân ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp bên ngoài. Đối với họ, sự trợ giúp nào cũng rất quý báu, là động lực để họ vững tin hơn trong cuộc sống nhưng người dân nơi đây vẫn luôn tự ý thức điều cốt lõi vẫn là ở bàn tay và khối óc của mình.
Dường như, tất cả những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Tĩnh đều tin rằng, chỉ có nỗ lực lao động và nuôi dưỡng niềm tin, hy vọng mới là nguồn lực lớn nhất để vượt lên nghịch cảnh.
Trở lại tâm lũ Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) sau hơn 1 tháng, chúng tôi không thể ngờ vùng “đất chết” cách đây mấy chục ngày giờ đã sum suê cây trái. Gia súc, gia cầm bắt đầu sinh sôi, nảy nở trong chuồng trại của mỗi hộ dân.
Đôi tay đang vướng đầy bùn đất nhưng khuôn mặt ông Nguyễn Văn Bằng (thôn 3 xã Cẩm Duệ) không ngớt nụ cười bởi vườn rau hơn 500m2 của gia đình ông – nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình 6 miệng ăn – giờ đây đã lấp đầy các loại rau, củ thương phẩm. “Bà nhà tôi đã cắt rau cải, rau thơm ra chợ bán lấy tiền mua thức ăn rồi. Trận lụt vừa rồi, cả nhà, vườn đều ngập sâu hơn 2,5 m. Rau màu, gà, lợn chết sạch. Vợ chồng tôi tranh thủ trồng rau bán dịp Tết để kiếm thêm đồng ra, đồng vào” – ông Bằng hồ hởi chia sẻ.
Ở vùng tâm lũ, gia đình ông Bằng cũng như những hộ dân khác ở đây đều được hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm, giống cây con để tái thiết sau lũ, nhà hư hỏng được hỗ trợ sửa chữa…Nhưng với bản tính không trông chờ, ỷ lại, người dân “rũ bùn” đứng dậy gây dựng lại cuộc sống.
Nông dân huyện Thạch Hà vào vụ mới.
Xã Tân Lâm Hương là nơi ngập sâu nhất của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Trận lũ kép khiến người dân nơi đây trắng tay. Hẳn nhiều người vẫn nhớ hình ảnh 11 con hươu, 500 con vịt, 100 con gà, hơn 3 tấn cá…của vợ chồng lão nông Trần Văn Báu (63 tuổi) và bà Trần Thị Quý (57 tuổi, thôn Tân Hòa, xã Tân Lâm Hương) bị lũ cuốn. Người đàn ông hơn lục thất khóc cạn nước mắt vì trang trại hơn 1,2 ha với đầy đủ các loại vật nuôi, cây trồng bị “xóa sổ” trong tích tắc.
May mắn, số nợ ngân hàng hơn 200 triệu đồng của lão nông Trần Văn Báu được cộng đồng chung tay giúp đỡ. Quyết chí làm lại từ đầu, vợ chồng ông tiếp tục vay thêm 250 triệu đồng về đầu tư sang sửa trang trại, mua 3 con hươu giống, 1 tạ giống cua đồng, mấy trăm con vịt, 1 tạ giống cá…để tiếp tục thả nuôi. “Đến Tết, số cua đồng sẽ cho thu hoạch, đây là mô hình mới được tôi sáng tạo cách nuôi, hứa hẹn sẽ cho thu nhập khá” – ông Trần Văn Báu gói gém khó khăn phía sau và nghĩ về tương lai tươi sáng.
Theo ông Lê Văn Danh – Trưởng phòng NNPTNT huyện Cẩm Xuyên, phòng nông nghiệp đang chỉ đạo nhân dân khẩn trương tiêu thoát nước, hạn chế úng ngập và tập trung chăm sóc, vun gốc bón bổ sung phân bón, phòng trừ sâu bệnh để cây sinh trưởng tốt. Nhận định thời tiết tiếp tục thuận lợi cho sản xuất các loại rau họ thập tự, họ bầu bí nên huyện chỉ đạo các địa phương tập trung xuống giống.
Ngoài các loại rau ngắn ngày đã cho thu hoạch, hiện nay, các mô hình sản xuất tập trung với cây trồng dài ngày như: ngô (xã Cẩm Mỹ, xã Cẩm Duệ…), khoai lang (xã Cẩm Hà, xã Cẩm Lạc…), khoai tây (xã Cẩm Vịnh…) đều đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra, chăn nuôi cũng được người dân vùng lũ chú trọng phát triển các loại gia cầm ngắn ngày để kịp tạo ra sản phẩm để đón đầu Tết Nguyên đán.
Niềm vui đã quay trở lại
Không khí vui tươi, thi đua lao động sản xuất đã nhộn nhịp trở lại trên mọi cánh đồng, làng quê đến phố thị. Mỗi người dân vùng lũ Hà Tĩnh lúc này đều mang trong mình tâm thế phấn chấn, nỗ lực làm việc để tái thiết lại cuộc sống, đón chờ một năm mới yên vui.
Phường Văn Yên (TP Hà Tĩnh) vốn nổi tiếng với những hộ trồng hoa, cây cảnh cung cấp cho thị trường Tết. Trước lũ, người trồng hoa đã ươm trồng vụ Tết. Thế nhưng, tất cả đã bị xóa trắng. Giờ đây, người dân đang hối hả sản xuất, làm lại vụ mới.
Ông Trần Đức Minh ở tổ dân phố Hòa Bình gắn bó với nghề trồng hoa đã 7 năm nhưng chưa lần nào rơi vào tình huống có nguy cơ lỡ hẹn với dịp Tết như thế này. Lẽ ra vườn hoa cúc của ông bây giờ đã bắt đầu phải thắp điện để hãm thì nay mới bón thúc.
Những mầm xanh cây cảnh mọc lên um tùm ở các khu vườn dường như thôi thúc niềm hy vọng mới cho mỗi người, mỗi nhà. “Nếu tính theo mùa vụ thì vườn cúc của tôi đã bị chậm mất nửa tháng. Mặc dù không lo về đầu ra sau Tết nhưng tôi vẫn còn tâm thế trồng hoa Tết, chỉ cần thay đổi cách thức vun trồng một chút, vườn hoa này sẽ không lỡ hẹn dịp Tết” – ông Minh phấn khởi chia sẻ.
Người dân thành phố Hà Tĩnh chăm sóc cây cảnh chuẩn bị đón Tết.
Lũ chồng lũ xảy ra trong tháng 10 vừa qua đã để lại những hậu quả nặng nề cho Hà Tĩnh. Để giúp người dân Hà Tĩnh khắc phục khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời hỗ trợ Hà Tĩnh 1.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia; 4 bộ xuồng cao tốc các loại, 166 bè cứu sinh, 5.560 phao cứu sinh, 200 nhà bạt cứu sinh, 4 máy phát điện. Sau đó, Chính phủ tiếp tục xuất cấp thêm 3.000 tấn gạo và tạm cấp hỗ trợ 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 cho Hà Tĩnh khắc phục hậu quả lũ lụt. Thủ tướng cũng trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có giải pháp hỗ trợ trước mắt đối với Hà Tĩnh trong khắc phục hậu quả mưa lũ và các giải pháp lâu dài trong phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại.
Nguồn hỗ trợ này càng tăng thêm niềm tin, động lực giúp người dân Hà Tĩnh vượt qua mọi bão giông. 2020 là năm mà người dân Hà Tĩnh “vật lộn” với nhiều “cuộc chiến” đầy cam go, thử thách như chống dịch Covid-19, chống “giặc lửa”, chống bão lũ…Nhưng có một điểm chung, ở “cuộc chiến” nào cũng bắt gặp sự kiên cường trong ý chí và một tinh thần đoàn kết, đồng lòng giữa chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Chính trong thời điểm khó khăn, cam go, sức mạnh đại đoàn kết càng được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Do lũ chồng lũ, vụ đông năm nay của huyện Cẩm Xuyên trễ hơn 1 tháng. Tuy nhiên, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của mỗi người dân, diện tích sản xuất của vùng tâm lũ gần như đã phủ kín. Huyện Cẩm Xuyên kịp thời phân bổ 4,35 tấn hạt giống ngô các loại, 2,55 tấn hạt giống rau, 41,6 tấn ngọn giống khoai lang chất lượng cao và 1,5 tấn khoai tây cho người dân trên địa bàn. Toàn huyện đã xuống giống 1.167,1ha, đạt 94% diện tích đăng ký sản xuất vụ đông khôi phục sau lũ. Trong đó, diện tích vườn hộ 1.059,9 ha, diện tích sản xuất tập trung 107,2ha.
Theo Hạnh Nguyên – Daidoanket.vn
(Link gốc: http://daidoanket.vn/hoi-sinh-vung-dat-chet-548528.html)