-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Dịp 20/11 năm nay, nhiều Sở GDĐT miền Trung đã thông báo không nhận hoa, không tổ chức tiếp khách, chỉ nhận tình cảm tốt đẹp qua thiệp chúc mừng bằng Email nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Lãnh đạo Sở GDĐT Thừa Thiên-Huế cho hay, đơn vị xin ghi nhận những tình cảm tốt đẹp của các cá nhân, tổ chức gửi gắm đến đội ngũ giáo viên.
Các thầy cô vùng lũ mong muốn thay vì những món quà mang tính khánh tiết, học trò của mình sẽ được hỗ trợ bút vở, sách giáo khoa để sớm ổn định việc học sau nhiều ngày trải qua đợt mưa bão lịch sử. Đây sẽ là món quà ý nghĩa nhất đối với ngành giáo dục địa phương.
Tương tự Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị cũng ra thông báo không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa tại trụ sở cơ quan nhân ngày 20/11. Việc làm này nhằm tiết kiệm tập trung phòng dịch Covid-19, đồng thời là sự sẻ chia những khó khăn, mất mát với bà con nhân dân vùng lũ bão thiệt tai ở miền Trung vừa qua.
Cùng với đó, ngành giáo dục Quảng Bình cũng đã ra thông báo về việc cắt giảm tối đa các cuộc họp hành không cần thiết, tiết kiệm chi thường xuyên sẽ được chuyển đến các trường học nhằm khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ.
Những dòng thông báo ấy khiến người đọc, người nghe phải suy nghĩ. Bởi lâu nay, ở nơi này, nơi khác việc thương mại hóa Ngày Nhà giáo Việt Nam qua chiếc “phong bì” đã ít nhiều làm giảm giá trị của ngày lễ ý nghĩa này. Nhiều năm học qua, tại Hà Nội cũng có một ngôi trường đã xây dựng thành công “văn hóa không phong bì và quà tặng” .
Nét văn hóa này được phụ huynh học sinh cũng như xã hội đồng tình, bởi như thế trường học mới thực sự là môi trường giáo dục, mà ở đó giáo viên coi sự tiến bộ và thành công của học sinh là phần thưởng và món quà quý giá nhất.
Trong những chuyến đi công tác xa ở các tình miền núi, chúng tôi đã được gặp những giáo viên không hề biết đến ngày 20/11. Ở những bản vùng giáp biên, hoặc những điểm trường xa lắc, đi bộ cả nửa ngày trời từ trung tâm huyện mới tới nơi, riêng việc duy trì sĩ số học sinh đến lớp đều – đã được coi là một niềm vui lớn với thầy cô đứng lớp.
Vừa rồi, trong chương trình “Chia sẻ cùng thày cô”, 63 giáo viên là người dân tộc thiểu số, từ 63 tỉnh thành trên cả nước đã được về Thủ đô tham dự. Trong số họ có những người lần đầu tiên được đi máy bay, lần đầu tiên được tới Hà Nội và được vào Lăng viếng Bác.
Có những thầy cô thuộc dân tộc cần được bảo vệ khẩn cấp vì chỉ còn dưới 10.000 người như các dân tộc: La Hủ, Si La, Bố Y, Ngái, Lự, Pà Thẻn, Chứt. Để có học sinh, họ phải đến tận nhà vận động đồng bào dân tộc cho con em tới trường.
Họ vừa là giáo viên, vừa là cán bộ dân vận, nỗ lực hết mình để trẻ em được tới trường mà không nghĩ tới công lao hay thành tích gì cả. Với họ, bao lâu nay hoa và quà chẳng phải những thứ xa xỉ lắm sao…