-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Khi men rượu cần đã chuếnh choáng là lúc âm thanh cồng chiêng vang lên.
Tại đây, mọi người quây quần bên nhau múa điệu Xoang trong tiếng cồng chiêng trầm bổng, chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới.
Nét đẹp văn hóa
Ngày đầu tiên của năm mới, khi mùa màng đã thu hoạch xong, đồng bào Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Bahnar) quây quần bên nhà Rông, thôn Kon Trang Long Loi (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) tổ chức Lễ Cúng nước giọt.
Khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, già làng A Thui trầm ngâm kể: Theo tập tục từ thời xa xưa, người Bahnar không đào giếng lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên, người dân cũng không tùy tiện lấy nước ở các sông, suối để dùng trong sinh hoạt và ăn uống.
Mọi người thường cùng nhau đi tìm những mạch nước ngầm chảy từ trong núi ra để giữ lấy sự tinh khiết nhất. Khi đã tìm được mạch nước, thanh niên trai tráng trong làng đi chặt cây lồ ô to, thẳng. Sau đó, đục thông các mắt rồi đâm sâu vào lòng núi dẫn nước về. Những điểm lấy nước này được dân làng gọi là nước giọt hay giọt nước.
Cứ sáng sớm, hoặc chiều muộn người dân lại tập trung bên nước giọt rồi dùng quả bầu khô, ống lồ ô gùi nước mang về nhà. Những gùi nước được mang về sử dụng để ăn, uống. Còn việc tắm giặt, hàng ngày người dân đều dùng nước giọt.
Do đó, từ thời xa xưa, nước giọt luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng và trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc. Chính vì vậy, mỗi năm người dân Rơ Ngao đều tổ chức Lễ Cúng nước giọt để dọn dẹp, sửa sang lại giọt nước và cúng Thần giọt nước.
“Lễ Cúng nước giọt là nghi thức quan trọng của người Rơ Ngao chúng tôi. Lễ Cúng nước giọt tương đương với Tết Nguyên đán, do đó, mọi công đoạn đều được cả làng chuẩn bị kĩ lưỡng, tránh sai sót”, già A Thui chia sẻ.
Theo già A Thui, sau khi thống nhất ngày lành, tháng tốt để làm lễ, già làng thông báo đến toàn thể người dân để chuẩn bị tổ chức lễ hội chu đáo và đủ đầy nhất. Trước khi lễ hội được tổ chức, người dân trong làng đến sửa sang, dọn dẹp nước giọt. Ở làng có bao nhiêu giọt nước, dân làng phải đến dọn dẹp sạch sẽ, không được bỏ sót cái nào.
Thanh niên trai tráng, khỏe mạnh trong làng được phân công đi chặt cây lồ ô to, đẹp, thẳng để về làm cây nêu trang trí tại nước giọt. Người Rơ Ngao quan niệm rằng, cây nêu là nơi thần linh trú ngụ và là vật tượng trưng cho sự đoàn kết của cả cộng đồng.
Cây nêu được trang trí càng rực rỡ, lộng lẫy thì mùa màng sẽ càng thuận lợi, tươi tốt. Do đó, cây nêu được chọn phải thật hoàn hảo, không được mất ngọn. Trong quá trình làm, người dân không được nhúng cây nêu vào nước, không được bước qua cây nêu. Còn những người phụ nữ phụ trách dọn dẹp, trang trí lại nhà rông và chuẩn bị đồ ăn, rượu ghè.
Ông A Đuih (SN 1969, thôn Kon Trang Long Loi) cho biết, do Lễ hội Cúng nước giọt diễn ra trong 3 ngày nên mỗi người trong làng phụ trách một việc. Những người nấu ăn ngon được phân công chuẩn bị đồ ăn cho cả làng. Lễ hội năm nay, dân làng chuẩn bị xiên thịt nướng, măng xào… Đặc biệt không thể thiếu là rượu ghè. Mỗi nhóm gia đình chuẩn bị 5 – 6 ghè để vui trong ngày hội.
Già làng A Thui thưởng thức từng ghè rượu của người dân, sau đó cả làng nối đuôi nhau đi hết một vòng.
Xóa bỏ hủ tục
Khi giọt nước đã sạch sẽ, đồ ăn, rượu ghè đã được chất đầy, già A Thui khấn cảm tạ thần linh đã giúp dân làng có mùa màng tốt tươi, người dân khỏe mạnh. Già làng cũng mời các vị thần linh về chứng giám, dự lễ cùng dân làng và phù hộ cho vụ mùa tiếp theo bội thu, mưa thuận gió hòa.
Kết thúc nghi lễ, già làng A Thui dùng gùi để hứng nước mang về nhà rông. Những gùi nước giọt được châm đầy vào ghè rượu. Người già trong làng lần lượt thưởng thức từng ghè rượu, sau đó cả làng nối đuôi nhau đi hết một vòng.
Bên ché rượu cần, già A Thui tâm sự: “Trước đây, mỗi khi tổ chức Lễ Cúng nước giọt, làng phải có một con vật hiến sinh. Sau khi già làng đọc lời khấn mời thần linh về sẽ múa những động tác nghi lễ quanh con vật hiến sinh rồi cắt tiết làm phép. Khi đó, thanh niên trai tráng cũng sẽ hò vang để đưa con vật về với Yàng.
Tuy nhiên, hiện nay nhận thấy việc này làm ô nhiễm nguồn nước và mê tín dị đoan. Do đó, các già làng đã thống nhất bỏ phong tục này và giải thích cho người dân hiểu”.
Cũng theo già A Thui, trước đây lễ hội vẫn diễn ra trong 3 ngày. Tuy nhiên, người dân uống rượu ghè, múa Xoang xuyên đêm gây mất an ninh trật tự. Do đó, trong những năm gần đây, người dân vẫn vui trong 3 ngày. Tuy nhiên, mọi người giữ gìn vệ sinh, trật tự và đúng 18 giờ cả làng ra về, đến sớm mai tiếp tục quay trở lại vui hội.
Khoảng thời gian này là thời gian vui nhất của dân làng. Khi đó, rượu cần, thịt nướng và những món ăn truyền thống được mang ra mời khách cùng dân làng thưởng thức.
Khi men rượu cần đã chuếnh choáng là lúc âm thanh cồng chiêng vang lên. Những vòng xoang uyển chuyển lại nối tiếp nhau. Làn điệu dân ca và những sáng tác ngẫu hứng được dịp thăng hoa. Cả làng ngất ngây, tưng bừng trong men rượu và âm thanh cồng chiêng rộn ràng. Khách đến làng trong dịp này cũng được tiếp đón như những người thân lâu ngày trở về làng.
Theo Dung Nguyễn – Giaoducthoidai.vn
(Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/le-cung-nuoc-giot-dau-nam-moi-cua-nguoi-ro-ngao-FpB6Y8YMR.html)