-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Kế hoạch đầy tham vọng của Liên minh châu Âu (EU) là đến cuối năm 2020 sẽ khởi động các chương trình thử nghiệm 5G tại tất cả các quốc gia thành viên.
Đến năm 2025, mạng 5G sẽ trở nên khả dụng trên tất cả các tuyến truyền thông. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bảo mật của mạng siêu tốc này sẽ như thế nào?
Kỷ nguyên mới về kết nối tức thì
Công nghệ 5G cung cấp tốc độ truyền dữ liệu nhanh chưa từng có với độ trễ cực thấp. Điều này mở ra một kỷ nguyên mới về kết nối tức thì, luôn khả dụng giữa các hệ thống khác nhau.
Tất cả các tính năng này cho ra đời một loạt ứng dụng rộng rãi dành cho các dịch vụ và thiết bị với mục đích làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn, hiệu quả hơn, lành mạnh hơn và an toàn hơn.
Lợi nhuận thu được từ công nghệ 5G rất cao, vì vậy không có gì là ngạc nhiên khi các công ty và chính phủ trên toàn thế giới chạy đua để khởi động mạng 5G và các giải pháp 5G. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Công ty bảo mật Check Point (Israel), trong vấn đề này có cạm bẫy.
Thế giới hoàn toàn kết nối qua 5G cũng mang lại cho giới tội phạm điều khiển học những khả năng vô tận để thực hiện các cuộc tấn công mạng, và do đó, gây ra các gián đoạn, thiệt hại, thậm chí chết chóc bằng cách nhắm vào cách kết nối phổ biến này.
“Nước Mỹ đang xây dựng chiến lược triển khai an toàn các công nghệ mới với tên gọi “An toàn 5G và xa hơn”, đồng thời bảo đảm hỗ trợ cho các đồng minh”, ông Miroslaw Maj – chuyên gia về an ninh mạng thuộc Quỹ Không gian mạng an toàn (Ba Lan) – cho biết.
Công nghệ 5G sẽ được sử dụng trong các phương tiện giao thông tự hành, khám chữa bệnh từ xa, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh và nhiều nhánh khác của nền kinh tế.
Hàng chục tỷ thiết bị được kết nối qua mạng 5G, cho phép theo dõi thời gian thực đối với hầu như mọi thứ, từ vị trí của con mèo của bạn đến việc kiểm soát các thiết bị y tế.
Ô tô con và xe tải có thể giao tiếp với nhau để điều hướng theo thời gian thực, tránh tai nạn hoặc tắc đường. Khám bệnh từ xa và phẫu thuật từ xa sẽ trở nên phổ biến hơn.
Tự động hóa và sử dụng rộng rãi robot trở nên phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Dự đoán, cuộc cách mạng công nghiệp khả thi nhờ 5G sẽ làm tăng thêm 12 nghìn tỷ USD trong sản xuất kinh tế toàn cầu trong 15 năm tới!
Cần cách tiếp cận khác để bảo mật
Những lo ngại về bảo mật mạng 5G không phải là chuyện phóng đại, đặc biệt là khi chúng ta lưu ý đến các kiểu tấn công mạng độc hại đã diễn ra trong ba năm qua, ngay cả trước khi mạng 5G được triển khai.
Một trong những ví dụ điển hình nhất là vụ tấn công bằng mã độc tống tiền nhằm vào một bệnh viện ở Đức, làm tê liệt hệ thống tiếp nhận bệnh nhân và lưu trữ bệnh án, và khiến một bệnh nhân tử vong.
Mới đây, ngay trong năm 2020 này, giới tội phạm tin học cũng lại đột nhập vào một trạm lọc nước ở Israel nhằm bỏ thêm chlor vào nước uống, khiến nước uống trở thành nước nhiễm độc.
Giới tin tặc cũng gây lo ngại khi chúng có thể cướp quyền điều khiển ô tô từ xa, hoặc tấn công vào các thiết bị Internet vạn vật dùng trong gia đình thông qua các bóng đèn thông minh.
Những thách thức cụ thể, liên quan đến an ninh mạng và các thiết bị 5G là gì? Việc số hóa mạnh hơn dữ liệu 5G và xác minh tốt hơn người sử dụng mạng chắc chắn là bước tiến vượt bậc so với công nghệ 4G, tuy nhiên bước tiến này cũng kéo theo các mối đe dọa mới.
Các thách thức bảo mật nằm ở hai lĩnh vực chính: Thiếu kiểm soát truy cập, thiếu khả năng hiển thị mối đe dọa, và các thiết bị dễ bị tấn công – hàng chục tỷ thiết bị thông minh sẽ được kết nối với mạng 5G, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó có sự bảo mật khác ngoài mật khẩu.
Các ví dụ được đề cập trước đó cho thấy các thiết bị này có thể bị tấn công và bị lợi dụng để do thám hoặc thực hiện các cuộc tấn công mạng dễ dàng như thế nào.
Nghiên cứu của Công ty bảo mật Check Point cho thấy, 90% các tổ chức có các thiết bị Internet vạn vật (IoT) chưa được phê duyệt, ẩn trên mạng của họ; trong nhiều trường hợp các thiết bị này được kết nối mà đội ngũ nhân viên công nghệ thông tin hoặc an ninh mạng không hề hay biết.
Mặc dù 5G sẽ cách mạng hóa kết nối và liên lạc, nhưng nó cũng sẽ dễ bị tấn công hơn so với các mạng hiện có. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là các tổ chức sẽ bảo mật việc triển khai 5G của họ như thế nào để bảo vệ mình trước các lỗ hổng mới, trước các cuộc xâm nhập và tấn công mới, cả trên cấp độ mạng và cấp độ thiết bị?
Cần thiết phải có cách tiếp cận khác để bảo mật. Vì 5G sẽ kết nối người dùng và các ứng dụng trên điện thoại di động, các thiết bị đầu cuối, mạng, điện toán đám mây và Internet vạn vật, nên bắt buộc phải có biện pháp bảo vệ nâng cao trước các mối đe dọa, nhằm bảo vệ tất cả các nguồn tài nguyên đó, không phụ thuộc vào vị trí của chúng.
Điều này đòi hỏi phải có một kiến trúc an ninh mạng vững chắc, hoạt động trên mọi nền tảng và sử dụng phân tích thống nhất về các mối nguy hiểm, nhằm ngăn chặn sự thâm nhập các mối nguy hiểm vào cấu trúc mạng.