Mới đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chính thức có đề xuất trình Chính phủ xem xét tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2021 thay vì hoãn tăng lương cả năm như kiến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, việc cơ quan này đưa ra đề xuất căn cứ trên nhiều cơ sở khác nhau. Cụ thể, theo ông Quảng, Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương đã xác định rõ từ năm 2021, Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động 2019 cũng đã bổ sung thêm các tiêu chí điều chỉnh tiền lương tối thiểu như mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, quan hệ cung cầu lao động, năng suất lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Quảng trong năm nay 2020, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng GDP của chúng ta vẫn tăng trưởng dương, năng suất lao động tăng 5,4%, các chỉ tiêu về tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, thành lập doanh nghiệp… là có cơ sở để xem xét điều chỉnh tiền lương. Nếu không điều chỉnh, tiền lương tối thiểu sẽ không đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.

Chia sẻ về mức đề xuất tăng, ông Quảng cho biết, mức đề xuất tăng sẽ ở mức độ hài hòa cho cả 2 phía người lao động cũng như chủ sử dụng lao động.

Trước đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhiều chuyên gia lao động cũng cho rằng, nếu không có những biến động thì việc tăng lương tối thiểu có thể thực hiện từ ngày 1/7 thay vì tạm hoãn không tăng đến hết năm 2021 như trước. Tuy nhiên, mức tăng chỉ nên tăng ở mức độ vừa phải để không đẩy áp lực về chi phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc tăng lương tối thiểu vùng vì hiện tại số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn gia tăng, điều này cho thấy sự hồi phục của doanh nghiệp vẫn rất chậm. Nếu tăng lương lúc này sẽ tạo ra những áp lực về chi phí cho doanh nghiệp, từ đó nâng số người lao động thất nghiệp gia tăng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020 có 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019. Trung bình mỗi tháng có gần 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trước đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chính phủ đã giao Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu, kiến nghị về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021, giao Bộ LĐTBXH phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tình hình kinh tế, xã hội làm căn cứ báo cáo Chính phủ trước quý 2/2021.

Nhắc lại, năm 2020, Quy định về mức lương tối thiểu vùng được thực hiện theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 01/01/2020 tăng từ 150.000 – 240.000 đồng/tháng. Cụ thể vùng I là 4.420.000 đồng/tháng. Vùng II là 3.920.000 đồng/tháng; vùng III là 3.430.000 đồng/tháng; vùng IV 3.070.000 đồng/tháng.

Theo Lê Bảo – Daidoanket.vn

(Link gốc: http://daidoanket.vn/nam-2021-luong-toi-thieu-vung-co-tang-549286.html)