-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài, hướng dẫn Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, thay thế Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài.
Tại dự thảo đang được lấy ý kiến, Bộ bổ sung một loạt quy định mới đối với việc đầu tư ra nước ngoài; trong đó có hoạt động đầu tư bất động sản.
Cụ thể, dự thảo Nghị định bổ sung nội dung, đối với việc kinh doanh bất động sản, điều kiện để được đầu tư ra nước ngoài như sau: “Nhà đầu tư là doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp”.
Giải thích cho quy định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để hạn chế những rủi ro lách luật trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản của cá nhân ở nước ngoài, Luật Đầu tư năm 2020 đã quy định kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài có điều kiện.
“Việc quy định điều kiện nhà đầu tư phải là pháp nhân sẽ giúp công tác quản lý nhà nước thuận lợi và chặt chẽ hơn, tránh tình trạng cá nhân đầu tư bất động sản để định cư ở nước ngoài mà không nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Đáng chú ý, ngoài việc bổ sung “điều kiện” để hạn chế cá nhân mua nhà ở nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bổ sung quy định các trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài dẫn chiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020, là các cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam (Điều 2 Dự thảo Nghị định).
Cụ thể, các trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài gồm:
– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp…
– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước.
– Người chưa thành niên, người bị hạn chế/mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, biện pháp xử lý hành chính…, đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Việc bổ sung quy định nêu trên là cần thiết, phù hợp và thống nhất với các pháp luật trong nước về cán bộ, công chức, lực lượng công an, quân đội; đảm bảo cá nhân khi đầu tư ra nước ngoài đã có đầy đủ tư cách pháp lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Quy định nêu trên cũng giúp hạn chế các trường hợp cá nhân đang có vấn đề ràng buộc trong nước khi đầu tư ra nước ngoài để hạn chế những rủi ro có thể có như tẩu tán tài sản…
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 7/2020, Việt Nam có 1.741 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 22,9 tỷ USD; trong đó, vốn đã thực hiện đạt khoảng 9,65 tỷ USD. Đáng chú ý, riêng từ 2015 đến nay, số lượng dự án đã chiếm 45% tổng số dự án lũy kế mặc dù vốn đăng ký chỉ chiếm 14,6% tổng vốn đăng ký.
Các dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn này cũng có những thay đổi theo hướng đa dạng hơn về thị trường, lĩnh vực, hình thức đầu tư. Ngoài các thị trường truyền thống gồm Lào, Campuchia, Nga… doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng đầu tư sang cả những quốc gia vốn là các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Australia, châu Âu; và từng bước vươn tới các thị trường xa như châu Mỹ Latinh, châu Phi.
Về lĩnh vực đầu tư, bên cạnh thế mạnh trong lĩnh vực trồng cây công nghiệp, thăm dò khai thác dầu khí, kinh doanh thương mại, nhiều nhà đầu tư Việt Nam đã chuyển sang kinh doanh bất động sản, sản xuất công nghiệp, cung cấp dịch vụ các loại (viễn thông, tài chính – ngân hàng, công nghệ thông tin, du lịch, xây dựng…). Đặc biệt, hoạt động đầu tư ra nước ngoài giúp các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong nước.
Nguồn: https://baodansinh.vn/siet-chat-ca-nhan-dau-tu-bat-dong-san-ra-nuoc-ngoai-2020092608510925.htm