Với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng thuộc 15 nước thành viên, GDP khoảng 27 nghìn tỉ USD và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho Việt Nam trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia các FTA.
Doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia các FTA.

Theo nhận định của Bộ Công thương, với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ (thay vì áp dụng 5 bộ quy tắc xuất xứ của 5 hiệp định FTA như hiện nay) giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà DN Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia.

Trao đổi với báo chí sáng 19/11, ông Lương Hoàng Thái,Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, RCEP dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các nước đối tác. “Hiệp định sẽ mở thêm cơ hội cho DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp- ông Thái nói.

Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong RCEP nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Úc, Newzealand và Hàn Quốc.

“RCEP là “sân chơi” của 10 nước ASEAN tham gia. Toàn bộ các quy định, đàm phán là do 10 nước xây dựng, soạn thảo. Đây là Hiệp định của ASEAN, khi Hiệp định thực thi, hiệu quả của Hiệp định sẽ chứng tỏ rõ hơn ai là người dẫn dắt “cuộc chơi” này. Tất nhiên cần phải có thêm thời gian, và ASEAN đang đi đúng lộ trình của mình, thể hiện rõ vai trò vị trí của mình trong hiệp định này” – ông Thái nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ FTAs nào, RCEP cũng mang lại sức ép cạnh tranh hàng hóa cho Việt Nam do nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lượng cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn so với khả năng hiện tại của Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc với lợi thế hàng hóa phong phú, giá rẻ cũng sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Vì vậy, ngay cả khi mặt hàng nông, thủy sản là thế mạnh của ta nhưng cũng chính là thách thức cạnh tranh trong khu vực RCEP này.

Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, tham gia vào bất kỳ Hiệp định thương mại tự do nào với những thành viên có trình độ kỹ thuật cao hơn sẽ là thách thức lớn nhất với các sản phẩm hàng hoá của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi mình, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Bộ Công thương cho biết, với các công cụ phòng vệ thương mại trong khuôn khổ RCEP và WTO, Bộ sẽ theo dõi sát sao tình hình xuất nhập khẩu sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực để có biện pháp phòng vệ phù hợp trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ sản xuất trong nước.

Theo Minh Phương – Daidoanket.vn

Link bài viết: http://daidoanket.vn/tham-gia-san-choi-rcep-ky-vong-nhung-loi-ich-kinh-te-lon-524275.html