-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Chạy đua ‘hồi sức’ cho miền Trung, tăng tốc phát triển kinh tế để bù đắp cho những tổn thất, mất mát do thiên tai gây ra, đây là yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng với các cấp, các ngành, các địa phương sau tháng 10 vừa qua với thiên tai, bão lũ chưa từng có trong lịch sử.
Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam, sáng 1/11, thăm cháu Đinh Hoàng Thái, 7 tuổi, có bố mẹ và 2 thành viên gia đình bị mất do lở đất, Thủ tướng đề nghị Quân khu 5 nuôi dưỡng cháu đến khi trưởng thành. – Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ngày 1/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm, động viên đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 và làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn.
Từ đầu tháng 10 đến nay, tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân, lần đầu tiên trong nhiều năm lũ chồng lũ, bão chồng bão. Đặc biệt, bão số 9 là cơn bão lớn, đặc biệt nguy hiểm, cơn bão lịch sử trong 20 năm qua trực tiếp tác động vào miền Trung, đổ bộ sau thời gian nhiều ngày mưa lũ khu vực miền Trung đã bị tổn thương rất nặng nề, sức chống chịu rất kém.
Do đó, mặc dù đã chuẩn bị ứng phó quyết liệt khẩn trương, căn bản, song cơn bão số 9 và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại rất lớn, 80 người chết và mất tích, trong đó 45 người do sạt lở đất; theo số liệu các tỉnh báo cáo, thiệt hại ước tính 10.000 tỷ đồng.
Tại phiên họp Chính phủ cuối tuần qua, các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất đánh giá tình hình: Thiên tai trong tháng 10 vừa qua là lịch sử và công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cũng tập trung, chủ động, quyết liệt ở mức độ chưa từng có. Nhờ sự vào cuộc sớm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt với sự vào cuộc của lực lượng quân đội với hai vị tướng, nhiều sĩ quan cấp tá và nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, lực lượng công an và lực lượng các bộ, ngành, địa phương, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân vùng thiên tai và nhân dân cả nước, chúng ta đã hạn chế tối đa, giảm thiểu được thiệt hại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bão lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề nhưng càng khó khăn chúng ta càng thấy tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào, đồng chí, thấy sự đoàn kết, chung sức chung lòng của cả dân tộc trong khó khăn, cả nước đã hướng về miền Trung ruột thịt. Chúng ta cũng thấy được quyết tâm rất lớn rằng, càng khó khăn càng có ý chí vượt khó để đưa đất nước tiến lên.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẻ chia sâu sắc với những khó khăn, mất mát đau thương mà đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các tỉnh khu vực miền Trung đang phải trải qua; chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình, thân nhân của những người thiệt mạng trong mưa lũ và các cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ và công nhân đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực làm hết sức mình, cùng các cấp, các ngành, các địa phương, đồng bào, chiến sĩ cả nước tập trung khắc phục hậu quả và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, vì cuộc sống an toàn của người dân, vì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.
Cũng trong tháng 10, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, các tổ chức, đoàn thể, sự chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước, mặc dù gặp những khó khăn rất lớn (COVID-19, bão lũ…) chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; nhiều mục tiêu phát triển KTXH của năm được giữ vững, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được củng cố.
Trong khi ổn định xã hội ở nhiều khu vực trên thế giới bị đe dọa, thì chúng ta được coi là quốc gia ứng phó với đại dịch COVID-19 hiệu quả nhất, sớm có được trạng thái bình thường mới, cuộc sống người dân an toàn hơn. Tình hình KTXH tháng 10 cơ bản bình thường trở lại và tiếp tục có sự cải thiện hơn so với các tháng trước, khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 2 đã được kiểm soát. Nền kinh tế nước ta đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III.
Nhận định khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định: Trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung, dồn “cả tâm cả sức” khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai nặng nề tại các tỉnh miền Trung, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân. Khẩn trương có phương án chạy đua với thời gian, cứu người là ưu tiên cao nhất, không để người dân bị đói, rét, màn trời chiếu đất. Khẩn trương khôi phục lại cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất và đời sống của người dân; hỗ trợ người dân về giống và vốn để phục hồi sản xuất; nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường, có giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho học sinh sinh viên, các địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ, bảo đảm duy trì chương trình, nội dung học tập, không để các em thiếu sách vở đồ dùng học tập; hết sức chú ý có phương án chủ động ứng phó với các đợt bão lũ, thiên tai có thể tiếp tục xảy ra.
Chỉ rõ các giải pháp cụ thể để hỗ trợ người dân miền Trung, Thủ tướng nêu rõ, càng khó khăn, chúng ta càng quyết tâm hơn nữa, ý chí hơn nữa để đưa đất nước tiến lên. Tình cảm tương thân tương ái của nhân dân cả nước với miền Trung chính là phải tăng sức sản xuất, phải làm nhiều hơn nữa để bù đắp cho tổn thất, mất mát về cơ sở vật chất, đời sống của người dân miền Trung. Các cấp, các ngành cần có kế hoạch tăng tốc 2 tháng cuối năm, chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch năm 2021.
“Để thể hiện tình cảm yêu quý, tình tương thân tương ái của nhân dân hai miền Nam-Bắc đối với nhân dân miền Trung, chúng ta phải tăng sức sản xuất, phải làm gấp đôi, gấp ba, quyết liệt hơn để bù đắp sự tổn thất, mất mát của nhân dân miền Trung”, ông nói.
Hà Chính – Baochihphu.vn
Nguồn: http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Thang-10-lich-su-va-yeu-cau-cua-Thu-tuong/412731.vgp