-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Dãy nhà 2 tầng Trường Mầm non Cẩm Thành được xây dựng trong năm học 2019 – 2020.
Một năm học được xem có quá nhiều biến động nhưng vượt lên tất cả, phương châm “bảo đảm an toàn cho HS, ngừng đến trường nhưng không ngừng học” vẫn được các trường học ở Hà Tĩnh thực hiện nghiêm túc.
Vừa xây dựng vừa phòng dịch
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: Một năm học đầy khó khăn nhưng vẫn để lại dấu ấn khá đồng đều trên tất cả lĩnh vực. Trước hết đó là các chính sách phát triển giáo dục trong tình hình mới của tỉnh, bao trùm là Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm
tiếp theo.
“Với nguồn lực tổng hợp được huy động, năm học 2019 – 2020, ngành Giáo dục Hà Tĩnh được đầu tư gần 400 tỷ đồng để củng cố cơ sở vật chất trường lớp theo hướng kiên cố, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới”, ông Nguyễn Quốc Anh thông tin.
Nhiều ngôi trường ở huyện Thạch Hà được khoác lên mình sắc màu tươi mới bởi những dãy nhà học cao tầng kiên cố. Đây cũng là một trong những địa phương có sự đầu tư lớn về nguồn lực cho giáo dục (gần 100 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp).
Nhìn dãy phòng học 2 tầng, 8 phòng với nguồn kinh phí khoảng 9 tỷ đồng hình thành vóc dáng trên khuôn viên mới mở rộng, cán bộ, GV Trường Mầm non xã Thạch Tân (huyện Thạch Hà) như được tiếp thêm động lực, khí thế để trường vượt qua khó khăn đại dịch Covid – 19 và trận lũ lịch sử để lại.
Cô Nguyễn Thị Hoài – Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thạch Tân phấn khởi cho biết: Trường chỉ có 16 phòng học nhưng có tới 550 HS nên vấn đề quá tải sĩ số luôn là thử thách lớn, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Với sự đầu tư về cơ sở vật chất, việc dạy, học của cô trò đã thoải mái hơn.
TP Hà Tĩnh đầu tư gần 87 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học. Theo đó, các hạng mục công trình như: Nâng cấp, xây dựng phòng học mới, nhà đa chức năng, sân chơi bãi tập, vườn cổ tích… ở các nhà trường đã và đang đồng loạt được triển khai.
Thầy Lê Ngọc Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) cho hay: Trường được đầu tư xây dựng dãy nhà 3 tầng với 15 phòng bộ môn, tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Đây là điều kiện tốt để nhà trường nâng cao chất lượng các giờ thực hành, góp phần giữ vững chuẩn sau 15 năm được công nhận.
Tại vùng cửa biển huyện Lộc Hà, thầy trò ở đây cũng trong niềm vui chung khi cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm nâng cấp. Theo thầy Phan Thanh Dân – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà, các trường học được đầu tư thêm nguồn kinh phí khoảng 50 tỷ đồng. Trong số đó, nhiều trường học có sự đầu tư lớn như: Trường Tiểu học Thạch Kim xây mới 12 phòng học; Trường Tiểu học Hộ Độ xây mới 12 phòng; Trường Mầm non xã Bình Lộc quy hoạch và xây dựng tại địa điểm mới với kinh phí ước tính hơn 20 tỷ đồng… Đến nay, nhìn chung cơ sở vật chất của các trường ở Lộc Hà đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Những ngày đầu năm, GV và HS xã Thuần Thiện (huyện Can Lộc) vui mừng khi được dạy – học trong ngôi trường mới. Với nguồn đầu tư hơn 5 tỷ đồng, những dãy lớp học khang trang, kiên cố thay thế cho phòng học cấp 4 cũ kỹ được xây dựng cách đây hơn 40 năm; đồng thời cũng chấm dứt nỗi lo mất an toàn của thầy trò ở đây.
Tận dụng mọi nguồn lực
Dãy nhà bộ môn 3 tầng, giá trị hơn 10 tỷ đồng của Trường THCS Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) triển khai xây dựng từ đầu năm học 2019 – 2020.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà chia sẻ: Ngoài ngân sách huyện, ngành, các địa phương đã tranh thủ lồng ghép nguồn chương trình xây dựng nông thôn mới, kêu gọi đóng góp hỗ trợ của con em xa quê… Nhờ đó, năm học 2019 – 2020, ngành giáo dục Thạch Hà trở thành đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về huy động nguồn lực với tổng số tiền 171 tỷ đồng củng cố cơ sở vật chất trường lớp.
“Với nguồn lực huy động dồi dào, không chỉ trang bị đầy đủ các điều kiện, trang thiết bị phục vụ việc dạy học, Thạch Hà còn củng cố được hệ thống công trình cảnh quan, sân chơi, bãi tập phục vụ hoạt động giáo dục thể chất, kỹ năng sống cho học sinh” – bà Nga vui mừng chia sẻ.