-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Nhìn nhận về việc lập Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện 8), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh một lần nữa khẳng định, Bộ Công Thương sẽ cập nhật và quy định rất rõ, cho dù bất kỳ một dự án thủy điện ở quy mô nào nếu chỉ sử dụng 1 m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không cho phép triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh Ảnh: VGP |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn chỉ ra, thủy điện, thủy điện nhỏ và vừa vẫn là những nguồn tài nguyên rất quý để phục vụ cho phát triển của đất nước. Nhưng nếu như chúng ta sử dụng không đi kèm với kiểm soát một cách chặt chẽ, hạn chế tác động đến môi trường, chắc chắn đây sẽ là những nguy cơ lớn cho phát triển bền vững của đất nước, chưa kể đến những dị thường cũng như tính cực đoan của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng mạnh mẽ.
Chính vì vậy Bộ trưởng cũng tính toán, chắc chắn trong Quy hoạch Điện VIII, chúng ta cũng sẽ cập nhật và quy định rất rõ, cho dù bất kỳ một dự án thủy điện ở quy mô nào nếu chỉ sử dụng 1m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không bao giờ cho phép triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, những yêu cầu khi đánh giá tác động môi trường của các dự án về năng lượng nói chung, thủy điện nói riêng sẽ được nâng cấp và được tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bài bản hơn nữa.
Trong chuyến công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn ngày 1/11 tại tỉnh Quảng Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, các vụ sạt lở xảy ra tại rất nhiều nơi, chứ không phải chỉ những khu vực gần công trình thủy điện.
Thậm chí, ở Trà Leng – một trong những nơi sạt lở đất gây hậu quả nặng nề nhất – thì không có câu chuyện tác động trực tiếp của thủy điện.
“Quá trình vận hành hồ chứa, thủy điện ở các địa phương thời gian qua rất tốt. Điển hình như Thuỷ điện Đăk Mi 4, nếu không làm tốt công tác điều tiết nước thì tôi đồng ý với ý kiến địa phương là lũ sẽ đến sớm hơn trước ngày 28/10 và mực độ nước về 17.000 m3/s chứ không hẳn là 11.000m3/s như báo cáo và chúng ta đã cắt lũ trên đỉnh lũ lên đến 55%. Do đó quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ phải được các địa phương quán triệt và điều tiết các đơn vị chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra.
Trực tiếp đề cập đến câu chuyện “nóng” về vai trò của thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ, trước đó tại phiên họp Chính phủ ngày 30/10/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng có những ý kiến dứt khoát. Ông cho rằng, đổ lỗi cho thủy điện làm sạt lở đất là không khách quan. Bởi còn rất nhiều khu vực khác sạt lở đất không có thủy điện.
Tài nguyên quý phải kiểm soát chặt chẽ
Không quên bài toán cụ thể cho thủy điện trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị, cụ thể các địa phương phải rà soát tất cả cát công trình thủy điện, các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp để đảm bảo phương án phòng chống thiên tai.
Đồng thời, cần mời chuyên gia khảo sát, đánh giá nơi sinh sống có địa hình nguy hiểm phức tạp để từ đó có phương án di dời hợp lý. Ngoài ra, phải tạm dừng xây dựng các công trình thủy điện trong thời gian bão, lũ để đảm bảo an toàn cho con người.
Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã có những quyết sách cụ thể đối với thủy điện.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, về quy hoạch, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ Công Thương đã cùng các tỉnh, địa phương rà soát hàng loạt dự án ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng nhiều đến xã hội và rừng.
Theo đó, kể từ năm 2016 đến nay, sau khi có Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các chương trình Chính phủ, tất cả các dự án thủy điện nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên đều không được bổ sung quy hoạch. Bên cạnh đó, tất cả các dự án được bổ sung đều được kiểm tra rất kỹ các vấn đề liên quan đến rừng, đất.
Trước đây nếu như mỗi MW điện chiếm 4 đến 5 ha đất thì từ năm 2016 đến nay, không có dự án thủy điện nào chiếm đất rừng tự nhiên. Còn các dự án rừng trồng, các dự án thủy điện chỉ chiếm bình quân 2 ha/MW điện. Các nhà đầu tư, các địa phương sau khi có chỉ đạo đã nhận thức tốt, từ đó hạn chế tối đa diện tích đất rừng sử dụng. Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các địa phương từ năm 2017 đến nay không có dự án điện nào dưới 3 MW được bổ sung quy hoạch.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, đến nay, công tác rà soát về quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện trên địa bàn cả nước đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng các yêu cầu đề ra theo Nghị quyết số 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện ngày 18/2/2014.
Cụ thể, sau 8 năm liên tục (từ 2012-2019), Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 471 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện. Cùng với đó là trên 100 dự án tiềm năng, có dự án lên đến khoảng 60 MW, đa phần ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, một số ít thuộc các tỉnh Tây Bắc… Bộ Công Thương khẳng định, cả năm 2019, Bộ chưa xem xét bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, bên cạnh đó, những yêu cầu khi đánh giá tác động môi trường của các dự án về năng lượng nói chung, thủy điện nói riêng sẽ được nâng cấp và được tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bài bản hơn nữa.