-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo bắt đầu cấm chặt đào rừng. Phân biệt thế nào là đào rừng, thế nào là đào nhà, vẫn đang gây ra những tranh cãi.
Nhiều loại đào được thương lái “thổi” lên thành đào rừng…
Đào rừng là tài nguyên cần bảo vệ
Chiều 24/12 đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành NN&PTNT. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải cấm tuyệt đối chặt đào rừng. Các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết cũng bị cấm. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa, cây cảnh cho biết, đào rừng là những cây đào có tuổi thọ lâu đời, mọc ở tự nhiên ở trong rừng.
Cũng có khi đào rừng do con người trồng để làm rừng phòng hộ, sống tự nhiên trong rừng. Còn đào nhà là do con người trồng trên đất nông nghiệp, đất vườn của nhà. Nghĩa là tùy mục đích trồng khác nhau, địa điểm trồng khác nhau mà phân biệt đó là đào rừng hay đào nhà.
“Đào rừng là một nguồn tài nguyên rất quý trong lâm nghiệp. Để một cây đào phát triển, cho những cành to, đẹp, phải mất đến 30 – 40 năm. Việc chặt những cành đào rừng này sẽ phá nát tài nguyên, cảnh quan của rừng, ảnh hưởng tới hệ thực vật tự nhiên trong rừng. Do đó, việc cấm chặt đào rừng là rất cần thiết”, PGS.TS Đặng Văn Đông chia sẻ.
Theo ông Đông, để phân biệt, đào rừng thường có cành cao đến 5 – 6 mét do phải vươn lên lấy ánh sáng, thân cành xù xì, mốc, nhiều tầm gửi bám, rất ít hoa nhưng bông rất khỏe. Còn đào nhà do được cắt tỉa, trồng trong đất nông nghiệp nên cành thấp, nhiều hoa.
Do vậy, trước đây người dân vào rừng lấy cây đào về trồng ở nhà thì vẫn phải coi là đào nhà. Thậm chí, đa số đào thế ở Nhật Tân (Hà Nội) đều là đào rừng. Người ta khai thác cây đào về rồi ghép mắt đào Nhật Tân vào để nuôi. Việc phân biệt đào rừng, đào nhà cũng cần rành mạch.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho rằng, đào rừng hay còn gọi là đào tự nhiên rất ít hoa so với đào trồng (đào nhà). Do đó, khi chơi đào rừng vào dịp Tết người dân phải chặt cả cây cao to, rất lãng phí. Đào rừng cũng có tác dụng giữ đất để tránh xói mòn khi có mưa lũ. Đào rừng rất ít và thưa hoa. Đào mình trồng chỉ cao được 1 – 2m, nhưng đào rừng có thể cao đến 3 – 4m, thậm chí là 4 – 5m.
Còn GS.TS Ngô Quang Đê, nguyên Trưởng phòng Khoa học, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lâm Nghiệp (Trường Đại học Lâm Nghiệp) cho biết, cây đào là cây ăn quả, thân gỗ, lâu năm. Đào phân cành thấp, cành không thẳng và nhiều nhánh. Rễ cây đào khá phát triển nhưng không ăn sâu. Đào rừng hiểu đơn giản là đào mọc tự nhiên ở trong rừng, không phải do người dân trồng.
Một gốc đào được cho là đào rừng dựng bán bên QL6. Ảnh: IT
Người trồng đào phải có giấy chứng nhận
Để rạch ròi đâu là đào rừng, đâu là đào nhà, theo PGS.TS Đặng Văn Đông, các địa phương có người trồng đào phải tiến hành xác minh và cấp giấy chứng nhận cho người dân, giống như chỉ dẫn nguồn gốc sản phẩm.
Những cành đào người dân trồng đem đi bán, phải được gắn mác hoặc có chứng nhận là đào trồng chứ không phải đào rừng. Đây là động thái cần thiết để quản lý thị trường hoa đào Tết, tránh tình trạng khai thác bừa bãi như hiện nay. Tất cả các cây, cành đào không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ có thể bị xử phạt.
Ông Lương Ngọc Hoan, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La cho biết, theo chỉ đạo, sẽ cấm tuyệt đối chặt đào trồng trong rừng. Còn đào được người dân trồng trong nhà người dân sẽ thực hiện theo Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Tức người dân muốn chặt bán phải có xác nhận của chính quyền xã với nội dung như: Ai trồng, bao nhiêu cây, thôn bản nào… thì mới được bán. Chi cục Kiểm lâm Sơn La cũng đang nghiên cứu các phương án khác để tham mưu cho UBND tỉnh.
Nói về thú chơi đào, GS.TS Ngô Quang Đê cho rằng từ xa xưa ông cha ta chơi đào bằng cách cắm cành nhỏ bày trên bàn thờ. Còn hiện nay, người dân chơi đào bằng cách cắm cành lớn ở sân, nhà là cách chơi chưa đúng.
Các cành to như bắp đùi, chơi mấy ngày rồi lại vứt rác thì rất phí, lại tăng rác về thành phố. Việc bán đào ngày Tết có thể đem lại một phần lợi ích kinh tế nhưng đa phần lại rơi vào tay các tiểu thương vận chuyển về bán, người dân vùng cao không thu được nhiều. Để quản lý tốt thì tới đây phải có các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết cách phân biệt cũng như các chế tài xử lý với hành vi chặt phá đào rừng.
GS Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, đây là việc rất thiết thực. Theo GS Huỳnh, mỗi dịp Tết, nhiều người chặt đào rừng mang về thành phố làm ảnh hưởng đến cảnh quan, thiên nhiên miền núi và rất phản cảm.
Đào rừng về phố cũng chỉ sống được thời gian ngắn vì không thích nghi với môi trường, khí hậu. Mỗi dịp Tết đến, người dân bỏ chơi đào rừng thì cây sẽ được giữ lại ở miền núi, góp phần phát triển du lịch địa phương và thể hiện cách ứng xử văn minh với thiên nhiên.
Theo Nhật Phong-Giaoducthoidai.vn
(Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/phap-luat/ve-viec-cam-chat-dao-rung-can-co-giay-chung-nhan-dao-nha-W6eqjXbMR.html)