-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Hàng không tư nhân hiện đang dần vươn lên chiếm lĩnh thị phần nội địa, ngang ngửa với Vietnam Airlines về thị phần quốc tế. Những năm gần đây, trên 70% tăng trưởng của ngành hàng không là từ hãng bay tư nhân. Vậy tại sao các hãng bay khác không được vay ưu đãi như VNA?
Trong phiên bế mạc chiều 17/11, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines- VNA) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cho phép VNA chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ và Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại VNA thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua; đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát để việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định. Đồng thời, VNA tiếp tục có giải pháp xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động trong điều kiện đại dịch Covid-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt.
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này, có ý kiến đề nghị ghi rõ 4.000 tỷ đồng cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vấn đề nêu trên thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nên để Chính phủ chủ động trong việc tháo gỡ khó khăn cho VNA theo tình hình thực tế.
Như vậy là theo kế hoạch, VNA sẽ được “bơm” thêm 12.000 tỷ đồng, VNA thoát khỏi thảm cảnh mất khả năng thanh toán và âm vốn chủ sở hữu (18.000 tỷ đồng tính thời điểm đầu năm nay). Dĩ nhiên, cái lý của việc “bơm” vốn cho VNA là vì Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, Chính phủ có quyền và trách nhiệm bổ sung vốn cho VNA khi hãng này bị cạn kiệt dòng tiền và lỗ nặng.
Tuy nhiên năm nay VNA dự kiến vẫn lỗ khoảng 15.000 tỷ đồng. Còn tương lai thì sao? Tại hội nghị xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, ông Trịnh Hồng Quang – Phó Tổng giám đốc VNA cho biết: “Nếu thị trường này không phục hồi được thì chúng tôi vẫn còn khó khăn. Sang năm 2021, dự tính mỗi ngày lỗ vài chục tỉ đồng, mức lỗ sẽ ngang năm 2020”.
Vậy là chưa có gì bảo đảm cho khoản bổ sung 8.600 tỷ đồng của nhà nước (1.400 tỷ là từ cổ đông hiện hữu khác) và khoảng 4.000 tỷ đồng vay lãi suất ưu đãi tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước.
Đại dịch Covid-19 gây tổn thất cho cộng đồng doanh nghiệp, lĩnh vực hàng không còn chịu thiệt hại nặng nề hơn. Không chỉ Vietnam Airlines mà các hãng Vietjet, Bamboo Airways đều gặp khó khăn.
Ngành hàng không trong nước thiệt hại 4 tỷ USD trong năm nay. Vietjet và Bamboo cũng đang lỗ, đang khẩn cấp xin Chính phủ hỗ trợ gói vay ưu đãi lãi suất để có tiền trả nợ và duy trì hoạt động.
Nhưng đến giờ chỉ VNA được duyệt gói “giải cứu” 12.000 tỉ đồng thông qua tái cấp vốn và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Vấn đề là VNA được duyệt vay ưu đãi tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng thì sẽ có lợi thế về vốn hơn các hãng hàng không khác, nên chưa biết điều gì xảy ra với đối thủ của VNA trong cạnh tranh trên thị trường. Đơn cử, VNA chỉ cần ra chiêu hạ giá vé thì các hãng hàng không khác cũng khó mà xoay xở.
Nhìn nhận vấn đề trên, chuyên gia kinh tế PGS. TS Ngô Trí Long cho hay, mấy thập kỷ qua, Chính phủ liên tục đầu tư cho VNA, trong khi hãng bay tư nhân phải tự đầu tư. Thực tế, VNA và các hãng hàng không khác đều là doanh nghiệp, kinh doanh, giải quyết việc làm, đóng thuế, phí như nhau.
Hàng không là động lực phát triển của nền kinh tế. Hàng không tư nhân hiện đã vươn lên chiếm lĩnh thị phần nội địa lớn nhất và chiếm ngang ngửa với VNA về thị phần quốc tế. Trong những năm gần đây, trên 70% tăng trưởng của ngành hàng không là từ hãng bay tư nhân. “Vậy tại sao các hãng bay khác không được vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng như VNA?”, ông Long đặt câu hỏi.
Theo ông Long, với khoản vay lãi suất ưu đãi này, Nhà nước cần hỗ trợ đồng đều, cùng thời điểm cho hãng hàng không tư nhân. Nếu chỉ hỗ trợ cho VNA thời điểm này là chưa công bằng và tạo lợi thế cho VNA trước các đối thủ là hãng bay tư nhân.