-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Dùng phèn chua, cloramin B
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, ở những vùng bị lũ cô lập vẫn có thể tự lọc từ nguồn nước xung quanh để tạm sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Một phương pháp được sử dụng từ lâu là lấy nước vào thau, chậu, dùng phèn chua pha vào cho nước trong.
Sau đó dùng cloramin B để khử khuẩn cho nước. Nước sau khi xử lý có thể uống ngay được. Lưu ý là nước khi đem vào lọc phải sạch rác, không bám lẫn nhiều gợn bẩn. Khi dùng phèn chua và cloramin B (được bán nhiều ở các hiệu thuốc), dùng đúng theo chỉ dẫn.
GS.TSKH Dương Đức Tiến, Trung tâm Công nghệ Sinh học Phục vụ Đời sống và Sản xuất cho biết, trong điều kiện xử lý nước bẩn thông thường thì người ta dùng phèn chua cho lắng cặn. Sau đó sẽ tiến hành sát trùng bằng cloramin B với liều lượng 2mlg/l để diệt khuẩn.
Chờ khi clo bay hơi hết, khoảng 1 – 2 tiếng hoặc khi ngửi thấy nước hết mùi clo là có thể sử dụng được. Sau đó đun sôi để dùng làm nước uống. Nếu không có cloramin B dự trữ thì có thể sử dụng nước tẩy Javen thay thế. Rất nhiều gia đình có thói quen tích trữ nước tẩy Javen trong nhà để tẩy đồ, trong trường hợp này có thế dùng nước Javen để lọc nước thay cho chế phẩm cloramin B.
PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường cho biết, mỗi ngày cần 15 lít nước sạch/người phục vụ cho nhu cầu tối thiểu.
Để có nguồn nước khẩn cấp sử dụng, trước hết phải lắng cặn bằng cách giải pháp như túi lọc, phèn chua hay phèn nhôm. Loại phèn nhôm đang được sử dụng trong các nhà máy nước, đã được chuẩn hóa, an toàn cho người sử dụng và nước sau lọc có thể uống được ngay mà không cần đun sôi.
Nếu không có thì dùng phen chua thay thế với cùng số lượng. Phèn giúp lắng đọng tất cả các loại cặn trong nước, giống như một loại keo tụ khiến chất bẩn lắng xuống phía dưới.
Sau khi nước trong hơn thì gạn bỏ cặn, cho nước trong sang một cái xô khác rồi tiến hành khử trùng bằng cloramin B, đợi trong khoảng 15 phút là có thể sử dụng nước để uống trực tiếp được, giống như các loại nước máy thông thường.
Cụ thể, PGS.TS Doãn Ngọc Hải hướng dẫn: Dùng 200 gram phèn nhôm, cho vào chum, vại hay thùng nước chứa khoảng 20 lít nước và khuấy đều. Nếu không có phèn nhôm, có thể dùng phèn chua. Trường hợp không có phèn, có thể dùng vải sạch để lọc nước, làm vài lần cho đến khi nước trong.
Sau đó dùng viên cloramin T hoặc B, hàm lượng 0,25g, một viên cloramin B hoặc T dùng để khử khuẩn 25 lít nước. Hoặc khử khuẩn bằng cloramin bột, tính lượng cloramin cần thiết trên cơ sở nồng độ yêu cầu là 10mg/lit. Ví dụ một thùng nước 20 lít thì lượng cloramin B cần để khử khuẩn là 200mg.
Không lạm dụng chất khử khuẩn
Đối với người dân sử dụng giếng nước, việc vệ sinh khử khuẩn là rất cần thiết. GS.TSKH Dương Đức Tiến cho biết, người dân vệ sinh và khử khuẩn nước giếng bằng cách múc cạn và vét hết bùn dưới giếng. Dùng nước dội lên thành giếng nhiều lần cho trôi hết chất bẩn, đất cát, lá cây…
Sử dụng phèn chua với liều lượng 50g/m3 nước để làm trong nước giếng ngập lụt. Nếu nước giếng rất đục thì sử dụng tối đa 100g/m3. Hòa tan hết lượng phèn cần thiết vào một gàu nước rồi tưới đều xuống giếng. Dùng gàu kéo lên xuống khoảng 10 lần.
Khi cho phèn chua vào nước đục, phèn tan tạo ra các ion dương. Chờ khoảng 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết thì tiến hành khử trùng. Sau khi giếng nước đã được đánh phèn làm trong thì khử trùng, tùy thuộc vào thể tích giếng bao nhiêu m3 mà dùng lượng cloramin phù hợp.
Hiện trên thị trường có bán một số sản phẩm máy lọc nước đơn giản. Chỉ cần đưa vòi hút nước là đầu ra có nước sạch vì bên trong vòi hút chứa phin lọc và chất tiệt trùng. Nước sau lọc có thể uống được ngay. Tuy nhiên ở những vùng bị lũ cô lập, vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn, thì việc mua được chiếc máy này cũng không đơn giản.
Ngoài ra, có một cách là tận dụng cây mồng tơi để làm sạch nước. Lấy cây và lá mồng tơi giã nhỏ rồi cho vào nước khuấy đều. Nhớt mồng tơi có tác dụng kéo chất bẩn lắng xuống dưới, sử dụng thay cho phèn hoặc nước Javen vì nó làm cho nước trong hơn.
Theo GS.TSKH Dương Đức Tiến, xử lý nước sau lũ cũng cần phải đúng phương pháp. Sau khi dọn sạch bể thì phải sử dụng các biện pháp lắng, lọc. Có thể dùng cát, sỏi để nước chảy qua trước khi sử dụng để giảm đi những chất kết tủa bẩn có trong nước.
Đối với nước ăn thường ngày thì nên sử dụng một ít muối hạt hoặc vôi cho vào nước để sát trùng, đảm bảo vệ sinh do nguồn nước ngầm lúc này cũng đã bị ảnh hưởng, ô nhiễm bởi nước mặt bị ngập trong một thời gian dài.
Trên đây là các giải pháp làm sạch nước có thể áp dụng trong điều kiện lũ lụt. Tuy nhiên cũng không nên kéo dài việc sử dụng nguồn nước này bởi nó không có lợi cho da cũng như cho sức khỏe.
Theo Nhật Phong – Giaoducthoidai.vn
Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/cach-loc-nuoc-cho-nguoi-dan-vung-lu-MDZXlQTMR.html