-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Hình ảnh bà Aung San Suu Kyi xuất hiện trong những cuộc tuần hành. Ảnh: AFP.
Ban bố tình trạng khẩn cấp
Ngày 1/2, người phát ngôn của Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền, ông Myo Nyunt xác nhận, quân đội Myanmar đã bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint, Bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch Soe Nyunt Lwin cùng một số quan chức khác thuộc NLD.
Sau khi quân đội bắt giữ các quan chức cấp cao Chính phủ Myanmar, Văn phòng Tổng thống Myanmar tuyên bố trên kênh truyền hình Myawady TV do quân đội quản lý tình trạng khẩn cấp trong 1 năm. Phó Tổng thống thứ nhất U Myint Swe – hiện đảm nhận cương vị quyền Tổng thống Myanmar – ký tuyên bố này.
Theo tuyên bố, quyền lãnh đạo nhà nước sẽ được giao cho Tư lệnh các lực lượng quốc phòng Min Aung Hlaing. Các chức năng lập pháp của Quốc hội bị đình chỉ.
Các nguồn tin cho biết, quân đội Myanmar đã kiểm soát chính quyền và cơ quan lập pháp ở nhiều khu vực. Hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn tại thủ đô Nay Pyi Taw và nhiều khu vực khác. Đài phát thanh truyền hình nhà nước Myanmar MRTV cũng thông báo không thể phát sóng trong sáng 1/2.
Theo Straits Times, thông qua đài truyền hình Myawaddy do quân đội kiểm soát, quân đội Myanmar thông báo cách chức 24 bộ trưởng và thứ trưởng của chính quyền dân sự. Đồng thời, quân đội Myanmar cũng bổ nhiệm 11 vị trí lãnh đạo các bộ gồm tài chính, y tế, thông tin, ngoại giao, quốc phòng, biên phòng và nội vụ.
Tuy nhiên, hiện các dịch vụ kết nối điện thoại và Internet tại Myanmar đã hoạt động trở lại, các ngân hàng cũng đã mở cửa, song đường phố vắng hơn thường ngày, dưới sự kiểm soát an ninh chặt chẽ của quân đội.
Theo Tân Hoa Xã, một quan chức cấp cao quân đội Myanmar cho biết, đa số các thủ hiến vùng và bang của nước này bị quân đội bắt giữ một ngày trước đó đã được trả tự do trong sáng ngày 2/2.
Ngày 2/2, NLD đã ra tuyên bố hối thúc quân đội nước này thả tự do ngay lập tức cho Cố vấn Nhà nước San Suu Kyi, cùng một số quan chức thuộc đảng này, đồng thời công nhận kết quả cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2020 để Quốc hội có thể triệu tập phiên họp ngay trong tuần này.
Quân đội Myanmar đã phát đi tín hiệu về đảo chính từ tuần trước khi người phát ngôn quân đội Myanmar Zaw Min Tun cảnh báo, quân đội sẽ “hành động” và sử dụng mọi phương án có thể để khiếu nại kết quả bầu cử, trong đó có phương án đề nghị Tòa án Tối cao can thiệp.
Trong cuộc bầu cử hôm 8/11/2020, đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo, trong khi đảng Đoàn kết và Phát triển liên bang (USDP) do quân đội thành lập trước khi từ bỏ nắm quyền lãnh đạo đất nước cách đây 10 năm, chỉ giành được 33 trong tổng số 476 ghế ở Quốc hội.
Quân đội cáo buộc bầu cử có gian lận và đề nghị điều tra. Tuy nhiên, NLD nói rằng cáo buộc đó là vô căn cứ và không thể thay đổi được kết quả. Ủy ban Bầu cử Myanmar cũng khẳng định cuộc bầu cử hoàn toàn minh bạch và công bằng.
Kêu gọi giải quyết bất đồng thông qua đối thoại
Trước diễn biến tại Myanmar, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi các bên ở Myanmar giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.
Trong một thông cáo, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric cho rằng, kết quả cuộc bầu cử Quốc hội tại Myanmar hồi tháng 11/2020, trong đó đảng NLD giành đa số ghế tại cả hai viện Quốc hội liên bang, phản ánh ý chí của người dân Myanmar tiếp tục con đường cải cách dân chủ. Tổng Thư ký LHQ kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng ý chí của người dân nước này và nhấn mạnh mọi bất đồng cần phải giải quyết thông qua đối thoại hòa bình.
Các nhà ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an LHQ đã dự kiến nhóm họp vào ngày 4/2 tới để thảo luận tình hình Myanmar, với sự tham gia của Đặc phái viên đặc biệt của LHQ tại Myanmar Christine Schraner Burgener.
Trong một tuyên bố hôm 1/2, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã kêu gọi các bên ở Myanmar theo đuổi “đối thoại, hòa giải”, cũng như sớm đưa tình hình trở lại bình thường. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của “ổn định chính trị ở các quốc gia thành viên ASEAN” nhằm đạt được hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Cộng đồng ASEAN.
Cùng ngày, nhiều nước cũng đã bày tỏ quan ngại về tình hình tại Myanmar.
Bộ Ngoại giao Singapore kêu gọi tất cả các bên tại Myanmar kiềm chế, hợp tác hướng tới một kết quả hòa bình. Tuyên bố nhấn mạnh Singapore “đang theo dõi sát sao tình hình tại Myanmar và hy vọng tất cả các bên liên duy trì đối thoại, hướng tới một kết quả tích cực.”
Indonesia kêu gọi Myanmar tuân thủ các nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN, trong đó có pháp trị, dân chủ và chính phủ hợp hiến. Người phát ngôn của Phủ Tổng thống Philippines, ông Harry Roque, cho hay nước này ưu tiên an toàn của công dân Philippines tại Myanmar.
Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình tại Myanmar, đồng thời kêu gọi quân đội trả tự do cho các nhà lãnh đạo đang bị giam giữ, thúc giục mạnh mẽ việc khôi phục càng sớm càng tốt nền dân chủ tại nước này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng kêu gọi tôn trọng ý chí của người dân Myanmar thể hiện qua cuộc bầu cử Quốc hội ngày 8/11/2020.
Mỹ cũng hối thúc quân đội Myanmar lập tức trả tự do cho các quan chức của chính quyền dân sự và tôn trọng kết quả bầu cử. “Mỹ phản đối bất cứ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả bầu cử gần đây hoặc cản trở quá trình chuyển giao quyền lực dân chủ, chúng tôi sẽ hành động nếu những điều này không được tuân thủ” – người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong thông cáo phát đi hôm 2/2.
Trong thông cáo, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne nhấn mạnh: “Australia kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng pháp quyền, giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế hợp pháp và trả tự do ngay lập tức cho tất cả các nhà lãnh đạo dân sự và những người khác đang bị giam giữ bất hợp pháp”.
Liên quan đến những diễn biến gần đây tại Myanmar, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar theo dõi sát tình hình, giữ liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, thường xuyên cập nhật thông tin và sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết.
Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã chủ động liên hệ với các đầu mối cộng đồng người Việt Nam sở tại hỏi thăm tình hình bà con, nhắc nhở công dân, doanh nghiệp đảm bảo hoạt động bình thường; công dân Việt Nam hạn chế đi khỏi vùng/khu vực sinh sống, tránh nơi tụ tập đông người, chú ý an ninh, an toàn và đảm bảo sinh hoạt cuộc sống trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Trong trường hợp cần trợ giúp hoặc có thông tin về người Việt Nam gặp nạn, đề nghị liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar là (+95)96.6088.8998; hoặc theo địa chỉ email: baohocongdan123@gmail.com hoặc Tổng đài Bảo hộ công của Bộ Ngoại giao: (+84)981.848.484.
M.Loan
Theo Hà Anh – Baodaidoanket.vn
(Link gốc: http://daidoanket.vn/myanmar-chao-dao-552205.html)