-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Ngày 28/10, Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN (ALMM) lần thứ 26 và Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN+3 (ALMM+3) lần thứ 11 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của Indonexia.
Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 26 lần này được tổ chức với chủ đề: “Thúc đẩy tính cạnh tranh, chủ động thích ứng và linh hoạt của người lao động ASEAN trong tương lai việc làm”. Hội nghị đã rà soát các hoạt động thuộc lĩnh vực lao động đã triển khai trong hai năm vừa qua; đồng thời trao đổi quan điểm của các nước về chủ đề của Hội nghị.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn ghi nhận các tuyên bố được thông qua bao gồm: Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay, Tuyên bố của các Bộ trưởng Lao động ASEAN về tương lai việc làm: áp dụng công nghệ hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững, Tuyên bố ASEAN về thúc đẩy việc làm xanh hướng tới công bằng và tăng trưởng bao trùm, Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư, Tuyên bố Viêng Chăn về chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm thỏa đáng trong ASEAN, Tuyên bố của các Bộ trưởng Lao động ASEAN về thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững.
Các Bộ trưởng, Trưởng đoàn đánh giá cao việc xây dựng và thông qua các Tuyên bố trên sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong ASEAN, tăng cường tính cạnh tranh của lực lượng lao động. Ngoài ra, những văn kiện này sẽ làm cơ sở cho ASEAN nói chung và mỗi quốc gia thành viên ASEAN tham khảo, lồng ghép các hoạt động vào chính sách của mình theo hướng phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, nỗ lực hướng tới một xã hội hòa nhập và công bằng.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng cũng đã thông qua kế hoạch công tác giai đoạn 2021-2025 trong kênh lao động bao gồm: Chương trình làm việc của các Bộ trưởng Lao động ASEAN, Kế hoạch công tác của Nhóm công tác về các điển hình lao động tiên tiến trong ASEAN (SLOM-WG), Kế hoạch công tác của Nhóm công tác về An toàn vệ sinh lao động, Kế hoạch hành động của Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các nước thành viên triển khai cụ thể các hoạt động và dự án trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng đã thông qua một số văn kiện để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay.
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Thông cáo chung Hội nghị ALMM lần thứ 26 nhằm phản ánh kết quả của Hội nghị. Các Bộ trưởng cũng nhất trí Hội nghị ALMM lần thứ 27 sẽ được tổ chức tại Phillipine vào năm 2022.
Phù hợp với chủ đề của Hội nghị, tại Hội nghị ALMM+3, Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước ASEAN cũng đã dành thời gian cùng các Bộ trưởng, Trưởng đoàn ba nước đối tác bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chia sẻ quan điểm, đề xuất khuyến nghị nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh và chủ động thích ứng của người lao động ASEAN cũng như cam kết tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN với ba nước đối tác.
Đoàn Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực cho các cuộc thảo luận tại Hội nghị. Với vai trò Trưởng đoàn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đánh giá cao chủ đề “Thúc đẩy tính cạnh tranh, chủ động thích ứng và linh hoạt của người lao động ASEAN trong tương lai việc làm” của Hội nghị vì nội dung này hoàn toàn phù hợp với chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Những nội dung chia sẻ về chủ đề sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng năng lực và sự chuẩn bị sẵn sàng cho nguồn nhân lực ASEAN nhằm giúp họ có thể tiếp tục công việc của mình và ứng phó kịp thời, hiệu quả trước những thay đổi của thế giới công việc.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đã chia sẻ, tại Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược của Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020. Thông qua việc thực hiện Chiến lược này, tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo có bằng hoặc chứng chỉ tăng từ 15,58% năm 2011 lên 24 % năm 2019 và ước tính đạt mục tiêu 25% vào năm 2020; một số chỉ số nhân lực của Việt Nam cũng đạt thứ hạng cao trong khu vực như chỉ số vốn nhân lực, chỉ số đổi mới sáng tạo, chỉ số phát triển con người.
Tiếp nối Chiến lược trên, Chiến lược phát triển nhân lực giai đoạn 2021-2030 đang được Việt Nam xây dựng với việc tập trung vào Phát triển nhân lực thích ứng với cách mạng 4.0. Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả của các nước thành viên ASEAN trong việc cùng Việt Nam xây dựng và thông qua Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay và Lộ trình của Tuyên bố. Việt Nam cam kết thực hiện các nỗ lực cùng ASEAN nhằm thúc đẩy hiệu quả việc triển khai các Tuyên đã được thông qua.
Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn sự hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN và ASEAN+3 sẽ không ngừng được thúc đẩy nhằm hướng tới xây dựng một lực lượng lao động ASEAN mang tính cạnh tranh, chủ động thích ứng và linh hoạt trong tương lai việc làm như chủ đề của Hội nghị ngày hôm nay.
Hội nghị Bộ trưởng ALMM+3 đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị. Các Bộ trưởng cũng nhất trí Hội nghị ALMM+3 lần thứ 11 sẽ được tổ chức tại Philippines vào năm 2022.
Đỗ Hương – baochinhphu.vn
Nguồn: http://baochinhphu.vn/Van-hoa-Xa-hoi/Hoi-nghi-Bo-truong-Lao-dong-ASEAN/412265.vgp