-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Không dạy qua loa cho xong
Sau hơn 3 tuần nghỉ học để tránh mưa bão, lũ lụt, ngày 4/11, 331 học sinh của Trường Mầm non Hương Phong (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) trở lại trường. Cô Hiệu trưởng Lê Thị Thu Sương cho biết: Mưa lũ, gió bão khiến trường bị thiệt hại nặng về cơ sở vật chất. “Chúng tôi thực hiện phương châm: Nước rút đến đâu, vệ sinh dọn dẹp sạch sẽ đến đó, đồng thời khử trùng, tiêu độc nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho cô và trò. Buổi học đầu tiên sau mưa lũ, tỷ lệ học sinh đến trường đạt hơn 70%. Vì thế, việc tổ chức chăm sóc, ăn bán trú cho học sinh sẽ được tái thiết lập và duy trì tốt” – cô Sương cho biết.
Để bảo đảm mục tiêu, kế hoạch năm học, theo cô Sương, với những chương trình hoặc chuyên đề quan trọng, mang tính bắt buộc, nhà trường sẽ tổ chức dạy bù cho học sinh vào các buổi chiều trong ngày. Ngoài ra, các hoạt động giáo dục về phát triển kỹ năng cho trẻ được các cô lồng ghép vào bài học hoặc hoạt động giáo dục khác.
“Điều chỉnh kế hoạch dạy – học là cần thiết, nhằm bảo đảm mục tiêu, nhiệm vụ của năm học. Với bậc học mầm non cũng vậy, hoạt động giáo dục nào cần thiết, nhà trường sẽ xây dựng dạy học bù cho học sinh, để các em không bị thiệt thòi. Trường Mầm non Hương Phong xây dựng lại kế hoạch giáo dục theo từng tuần, tháng và từng chủ đề học tập. Theo đó, các giáo viên sẽ bám sát vào kế hoạch, chủ đề đó để chủ động dạy – học sao cho hiệu quả và thiết thực nhất” – cô Sương trao đổi.
Tại Trường THPT Hóa Châu (Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế), thầy Hiệu trưởng Đặng Trần Phong thông tin: Mặc dù sân trường và khuôn viên sư phạm có chỗ vẫn bị ngập nước nhưng tập thể giáo viên đã dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ các lớp học để đón học sinh trở lại học tập. Sau 3 tuần nghỉ học vì mưa lũ lịch sử, hơn 700 học sinh của 20 khối lớp đã trở lại trường học tập.
Thầy Phong cho hay: Do việc nghỉ học kéo dài nên nhà trường đã xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh. Cụ thể: khối 11- 12, học chính vào các buổi sáng trong tuần. Nhà trường tổ chức cho các em học bù vào buổi chiều theo hình thức cách nhật. Chẳng hạn, thời khóa biểu học bù của khối 11 là các buổi chiều thứ 2-4-6, còn khối 12 sẽ là thứ 3-5-7 trong tuần. Đối với khối 10, lịch học chính vào các buổi chiều trong tuần, vì thế việc tổ chức dạy – học bù cho các em sẽ được thực hiện vào buổi sáng, cũng theo hình thức cách nhật.
“Chúng tôi chỉ đạo, việc dạy – học bù phải nghiêm túc, thực chất và chất lượng. Tuyệt đối không được cắt xén chương trình hoặc dạy – học qua loa. Sau khi dạy – học kịp với tiến độ chương trình, kế hoạch năm học, chúng tôi sẽ chuyển từ học bù sang dạy phụ đạo, ôn tập cho học sinh, nhất là với những em học lực yếu và lớp 12, để các em nắm chắc kiến thức” – thầy Phong chia sẻ, đồng thời cho biết, đến nay việc dạy – học đã đi vào ổn định và thực hiện có nền nếp.
Các trường chủ động
Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị Lê Thị Hương cho biết: Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho ngành Giáo dục địa phương; ước tính thiệt hại khoảng 105 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của mưa bão, toàn tỉnh đã cho học sinh nghỉ học 14 ngày. Hiện các trường đón học sinh trở lại, ổn định dạy – học. Tuy nhiên, vẫn còn 14 trường và điểm trường của huyện Hướng Hóa vẫn chưa thể cho học sinh đi học.
Theo bà Hương, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo quyết liệt, các ngành, các cấp phối hợp cùng với ngành Giáo dục khắc phục hậu quả của thiên tai.“Khó khăn trước mắt là thực hiện các nhiệm vụ của năm học. Với những địa phương, trường học phải nghỉ học dài ngày vì mưa lũ, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phòng GD&ĐT hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học. Đồng thời giao quyền chủ động cho các trường xây dựng kế hoạch dạy bù cho học sinh, phù hợp với điều kiện thực tế” – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.
Tại buổi trao quà hỗ trợ cho ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận những nỗ lực, sự chủ động của địa phương, trong khắc phục hậu quả thiên tai, sớm đón học sinh trở lại trường, ổn định dạy – học. Thứ trưởng lưu ý: Ngành Giáo dục địa phương cần chỉ đạo các nhà trường, chủ động dạy bù cho học sinh nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2020 – 2021; đặc biệt là với lớp 1; kế hoạch dạy bù phải cụ thể, chi tiết. Ngoài các văn bản chỉ đạo, sở GD&ĐT cần tăng cường giám sát, chỉ đạo cụ thể, để lịch dạy học bù không nên tập trung vào một học kỳ, tạo tâm lý căng thẳng, áp lực và quá tải cho thầy – trò.