Học sinh Đà Nẵng trong ngày đi học trở lại - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Học sinh Đà Nẵng trong ngày đi học trở lại – Ảnh: ĐOÀN NHẠN 

Trong khảo sát do Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế thực hiện từ tháng 1 đến 6-2 và vừa công bố cho biết 60,6% cha mẹ đồng ý cho con tiêm, số còn lại còn chần chừ, nếu bắt buộc thì tiêm, chỉ 1,9% từ chối.

Tuy nhiên nhiều khảo sát khác (do cơ quan báo chí hoặc khảo sát bỏ túi) cho biết tỉ lệ cha mẹ đồng ý tiêm vacxin cho trẻ từ 5 – 12 tuổi có thấp hơn khảo sát này.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Chính phủ đã có nghị quyết mua 21,9 triệu liều vắc xin tiêm cho khoảng 10 triệu trẻ 5 đến dưới 12 tuổi.

Hiện Bộ Y tế đang trong các bước chuẩn bị để triển khai như làm việc với nhà cung cấp Pfizer để đặt mua vắc xin, tiến tới tập huấn lại cho cán bộ y tế các tuyến, xây dựng hướng dẫn bổ sung về theo dõi sau tiêm do trẻ em ở lứa tuổi này có những đặc thù riêng…

Về số lượng vắc xin đặt mua, có ý kiến cho biết chỉ nên đặt mua trước 60% số lượng vắc xin, do đây là vắc xin 10mcg chỉ sử dụng cho lứa tuổi 5 đến dưới 12, do tiêm chủng là tự nguyện và mua theo tỉ lệ cha mẹ đồng ý tiêm chủng theo khảo sát, bởi nếu dư vắc xin thì không thể sử dụng cho lứa tuổi khác.

Hơn nữa, hạn dùng vắc xin này (vắc xin mới) lại ngắn hơn so với vắc xin bình thường, khi về đến Việt Nam và thực hiện xong các thủ tục, hạn dùng có thể chỉ còn 3-4 tháng.

Sau khi tiêm mũi 1, nếu tỉ lệ sử dụng vắc xin cao, Việt Nam có thể đặt mua tiếp vì khả năng cung ứng vắc xin hiện nay là dồi dào.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đồ họa: NGỌC THÀNH

44 quốc gia, vùng lãnh thổ đã tiêm/có kế hoạch tiêm cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi

Theo thống kê, so với tỉ lệ tử vong chung của bệnh nhân COVID-19 (1,6%), tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 tử vong hoặc có biến chứng nặng thấp hơn nhiều lần.

Tuy nhiên, trả lời báo chí mới đây, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Phan Trọng Lân cho biết trẻ mắc COVID-19 cũng có thể gặp các biến chứng hậu COVID-19.

Ông Lân cho biết thực tế trẻ từ 5 – 12 tuổi mắc COVID-19 cũng ít triệu chứng và triệu chứng nhẹ hơn so với bệnh nhân là người trưởng thành.

“Tuy nhiên khi mắc COVID-19 ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể gặp các biểu hiện “hậu COVID-19″. Người ta gọi đây là các di chứng cấp tính sau mắc COVID-19, ở trẻ em có thể là chứng viêm đa hệ (viêm da, viêm khớp), giảm mức độ tập trung…”, ông Lân nói.

Tiêm vắc xin Pfizer mũi 2 cho học sinh khối lớp 10, 11 Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tiêm vắc xin Pfizer mũi 2 cho học sinh khối lớp 10, 11 Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hiện số quốc gia, vùng lãnh thổ đã triển khai hoặc có kế hoạch tiêm chủng COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi tăng lên hằng ngày, nhưng con số thống kê gần nhất là 44 quốc gia/vùng lãnh thổ đã tiêm hoặc có kế hoạch tiêm. Có nơi tiêm chủng cho toàn bộ trẻ em, có nơi tiêm cho trẻ nguy cơ cao.

Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết vacxin cho trẻ từ 5 -12 tuổi vẫn như các vắc xin trước đây, nghĩa là triển khai theo hình thức tự nguyện, vắc xin và dịch vụ tiêm chủng vẫn được cung cấp miễn phí.