Với Nghị định vừa được Chính phủ thông qua, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam giảm từ 8 thủ tục với 16 ngày xuống còn 3 thủ tục với 6 ngày. Điều này sẽ giúp tạo nên bước tiến lớn trong khởi sự kinh doanh ở Việt Nam.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 122/2020/NĐ-CP về liên thông các thủ tục về khởi sự kinh doanh.

Nghị định122/2020/NĐ-CP quy định tích hợp 3 quy trình gồm: đăng ký bảo hiểm xã hội, khai trình lao động và đăng ký sử dụng hóa đơn vào quy trình đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư),  thời gian qua, mặc dù chúng ta đã có những cải cách nhằm nâng cao Chỉ số khởi sự kinh doanh, những vẫn còn những bất cập, vướng mắc dẫn đến kết quả xếp hạng về chỉ số Khởi sự kinh doanh còn thấp. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) 2020 của Ngân hàng Thế giới, thì Việt Nam đứng thứ 115/190 nền kinh tế, đứng thứ 6 ASEAN với 8 thủ tục, thực hiện trong 16 ngày.

Nguyên nhân chủ yếu là các cơ quan quản lý nhà nước vẫn yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thông tin trùng lặp hoặc không cần thiết, tạo gánh nặng về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; một số thủ tục trong quy trình gia nhập thị trường còn chưa hợp lý, thiếu sự kết nối, chia sẻ thông tin, liên thông thủ tục giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Bên cạnh đó, tốc độ cải cách của nước ta còn chậm so với các nước trên thế giới.

Trước tình trạng này, Chính phủ đã liên tiếp có ý kiến chỉ đạo tại các Nghị quyết của Chính phủ, trong đó Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 đã nêu rõ, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ, với mục tiêu thứ hạng trong nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN, nâng xếp hạng chỉ số Khởi sự kinh doanh lên 10-15 bậc.

Trên cơ sở đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đã xây dựng Nghị định của Chính phủ sửa đổi các quy định có liên quan đến khởi sự kinh doanh để thực hiện liên thông, cắt giảm các thủ tục không cần thiết trong thành lập doanh nghiệp; cấp mã số đơn vị; khai trình việc sử dụng lao động; sử dụng hóa đơn tự in, đặt in theo trình tự, thủ tục rút gọn. Các quy định trong Nghị định là những phương án cải cách nhằm khắc phục những hạn chế của quy định pháp lý hiện hành.

Cũng theo ông Bùi Anh Tuấn, Nghị định được xây dựng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện liên thông, cắt giảm các thủ tục không cần thiết trong thành lập doanh nghiệp; cấp mã số đơn vị; khai trình việc sử dụng lao động; sử dụng hóa đơn.

Nghị định được xây dựng với các mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, thông qua các giải pháp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, giảm khối lượng thông tin cần kê khai, giảm số lượng cơ quan nhà nước cần tiếp xúc.

Thứ hai, quy định tại Dự thảo Nghị  định vẫn phải đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước của từng ngành. Các quy định được xây dựng nhằm tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, nhưng công tác quản lý nhà nước vẫn cần được đảm bảo.

Thứ ba, cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới thông qua việc giảm bớt số lượng thủ tục, hồ sơ, chi phí, thời gian thực hiện thủ tục gia nhập thị trường tại nước ta.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

chinhphu.vn

Link bài viết: http://canhtranhquocgia.vn/Box-canh-tranh/Buoc-tien-lon-trong-quy-trinh-khoi-su-kinh-doanh/411683.vgp