Cặp thuyền độc mộc do thiếu không gian trưng bày, bảo quản nên đang để dưới sân Thư viện tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn.

Cặp thuyền độc mộc do thiếu không gian trưng bày, bảo quản nên đang để dưới sân Thư viện tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn.

Bảo tàng Hà Tĩnh được thành lập vào năm 1992, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, trụ sở đặt tại Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (ở phường Tân Giang, TP.Hà Tĩnh).

Tuy nhiên, từ năm 2018, Bảo tàng Hà Tĩnh xuống cấp nên phải đến ở nhờ Thư viện tỉnh Hà Tĩnh (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) để có phòng làm việc cho cán bộ và phòng cất giữ hiện vật, bảo vật.

Hiện Bảo tàng Hà Tĩnh đang quản lý, lưu trữ khoảng hơn 11.000 hiện vật, trong đó có nhiều cổ vật, bảo vật quý như: bộ hài cốt người Việt cổ có niên đại hơn 4.000 năm; 3 khẩu súng thần công triều Nguyễn đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2013; bộ sưu tập sắc phong của các triều đại Lê, Nguyễn; bộ sưu tập các ngành nghề truyền thống; nhiều kỷ vật chiến tranh qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm…

Số hiện vật, bảo vật đó vẫn đang từng ngày chờ Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh triển khai, hoàn thành để có nơi trưng bày vừa phát huy giá trị vừa bảo quản tốt hơn, bền vững hơn.

Khẩu súng thần công đang để dưới nhà xe của Thư viện tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn.

Khẩu súng thần công đang để dưới nhà xe của Thư viện tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn.

Ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, do không có phòng trưng bày nên những Bảo vật quốc gia, hiện vật, cổ vật mà Bảo tàng Hà Tĩnh đang lưu giữ phần lớn bị cất giữ trong kho.

Trong đó, những cổ vật quý như khẩu súng thần công là Bảo vật quốc gia đang phải đặt trong nhà để xe; hai chiếc thuyền độc mộc nằm dưới góc sân Thư viện tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Trần Phi Công – Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh – cho biết, đơn vị được bố trí không gian làm việc tại trụ sở Thư viện tỉnh Hà Tĩnh với khoảng 800 m² diện tích mặt sàn. Do không gian chật hẹp nên không bố trí được phòng chức năng để trưng bày các hiện vật.

Cũng theo ông Công, các hiện vật, cổ vật nếu không được trưng bày mà cất giữ trong kho lâu năm ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị.

Nhiều hiện vật được làm bằng giấy, vải, kim loại bị tác động rất lớn bởi môi trường tự nhiên, nếu không có phòng chuyên dụng thì nguy cơ bị hư hỏng. Do vậy, việc xây dựng bảo tàng hiện nay là vô cùng cấp thiết.

Ông Công thông tin thêm, Dự án xây dựng trụ sở mới của Bảo tàng Hà Tĩnh đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2018 với tổng mức đầu tư hơn 200 tỉ đồng trên khu đất rộng 2 ha, gần tòa nhà Thư viện của tỉnh Hà Tĩnh.

Do chưa xây Bảo tàng Hà Tĩnh nên Cơ quan này đang phải ở nhờ tại trụ cở Thư viện tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn.

Do chưa xây Bảo tàng Hà Tĩnh nên Cơ quan này đang phải ở nhờ tại trụ cở Thư viện tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn.

Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh mới hoàn thành việc tổ chức thi tuyển kiến trúc xây dựng bảo tàng.

Do vậy, công trình Bảo tàng Hà Tĩnh dự kiến sang năm 2025 mới có thể triển khai xây dựng. Rất mong Dự án được triển khai, hoàn thành càng sớm càng tốt để đưa các hiện vật, cổ vật, tư liệu vào bảo quản, gìn giữ, trưng bày để phát huy giá trị.

 

Tác giả: TRẦN TUẤN
Nguồn tin: Báo Lao Động