-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Bộ Tài chính vừa thông báo lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Bộ Tài chính cho biết, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) được ban hành đã tạo một khuôn khổ pháp lý chung, có hiệu lực cao, lâu dài, ổn định hơn cho việc thực hiện các dự án PPP tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong phạm vi của Luật chưa thể quy định chi tiết một số nội dung. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành một số nội dung tại Luật PPP.
Tổng hợp quy định tại Luật PPP, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết 18 Điều/nội dung; trong đó tại Quyết định số 1109/QĐ-TTg ngày 24/7/2020, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư cụ thể gồm 5 điều khoản sau:
(1) Khoản 4 Điều 60: Quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng
(2) Khoản 3 Điều 67: Trình tự, thủ tục xử lý tài sản chuyển giao
(3) Khoản 3 Điều 69: Sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP
(4) Khoản 4 Điều 78: Phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự án PPP
(5) Khoản 5 Điều 82: Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu
Ngoài 5 nội dung trên, tại khoản 1 Điều 91 về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính quy định Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế tài chính trong đầu tư theo phương thức PPP.
Căn cứ quy định và yêu cầu thực tế triển khai các dự án PPP của các Bộ, ngành và địa phương, kế thừa nội dung đã được Bộ Tài chính hướng dẫn tại các Thông tư hướng dẫn các Nghị định của Chính phủ về đầu tư theo phương thức PPP thời gian qua, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nội dung quy định về phương án tài chính của dự án PPP trong Dự thảo Nghị định.
Dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm: Hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư theo hình thức PPP, tiệm cận dần với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam nhằm tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước
Theo đó, Dự thảo tập trung 4 nội dung chính gồm: 1. Quy định phương án tài chính dự án PPP; 2. Quy định việc quản lý, sử dụng thanh toán, quyết toán vốn nhà nước trong dự án PPP; 3. Quy định về quyết toán vốn đầu tư dự án PPP hoàn thành; 4. Quy định về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
Link bài viết: https://reatimes.vn/de-xuat-co-che-quan-ly-tai-chinh-du-an-ppp-1604675292915.html