Đền Truông Bát tháng 11/2024

Đền Truông Bát tháng 11/2024

Buông lỏng, cẩu thả trong công tác quản lý di tích

Là một trong những di tích cổ, cùng với một số ngôi đền khác như Đền Chợ Củi, Đền Lê Khôi, Đền Cả, Đền Chế Thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu… được đánh giá là di tích văn hóa nổi tiếng linh thiêng ở Hà Tĩnh. Hàng năm, những ngôi Đền này đón rất nhiều du khách thập phương đến chiêm bái và hành lễ. Tuy nhiên, từ trước đến nay, các hoạt động xung quanh những ngôi Đền này đều mang tính tự phát, dựa vào một số cá nhân đứng ra “bao thầu”. Họ tự quy hoạch, tự quản lý, tự quyết định tổ chức lễ hội, tự kêu gọi thu chi tài chính.v.v… Thậm chí, có Đền do lượng du khách quá đông, tiền công đức mỗi năm thu về hàng chục tỉ đồng nhưng chính quyền địa phương vẫn “không nắm được” thông tin?.

Đơn cử là Đền Chợ Củi (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) do hộ gia đình ông Nguyễn Sỹ Quý làm thủ nhang, bình quân mỗi năm Đền đều nộp tiền công đức vào ngân sách địa phương 2,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 1/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kết luận thanh tra về việc quản lý và tổ chức các hoạt động tại Di tích Đền Chợ Củi, thành lập mới Ban quản lý tại địa phương. Kể từ đó, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2024, ngoài những chi phí hoạt động của Đền thì Ban quản lý còn nộp về cho ngân sách 14 tỉ đồng, ước tính cả năm sẽ thu về từ 25 – 30 tỉ đồng, gấp 10 lần so với việc giao cho cá nhân quản lý. Như vậy, lấy 25 tỷ đồng là con số thấp để tính bình quân thì chỉ 10 năm (bằng 2 nhiệm kì chủ tịch xã) ngân sách Hà Tĩnh đã thất thu hàng trăm tỷ đồng từ công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa tại địa phương… (?!). Một con số không hề nhỏ đối với một địa phương còn nghèo và gian khó (số liệu về kinh phí của Đền Chợ Củi nói trên do ông Trần Minh Đức – Phó trưởng ban, Ban Quản lý Dịch vụ công ích và các Điểm du lịch huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết cụ thể trên báo Lao Động đăng tải ngày 03/6/2024).

Vào những ngày lễ hội, giải hạn, hội yến… Đền Truông Bát luôn tấp nập khách thập phương.

Vào những ngày lễ hội, giải hạn, hội yến… Đền Truông Bát luôn tấp nập khách thập phương.

Nói riêng về Đền Truông Bát, là ngôi Đền được xây dựng cách nay khoảng 600 năm, toạ lạc trên một vùng non xanh nước biếc, ở một góc Ngã ba Khe Giao gần Tỉnh lộ 3 và Quốc lộ 15 – nơi là một trong những địa danh nổi tiếng nhất trên cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh đi lên chỉ khoảng 12 km. Đền thuộc Thôn 1, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Từ lâu, Đền Truông Bát đã nổi tiếng về sự linh thiêng, là điểm đến của đông đảo người dân và du khách để cử hành nghi lễ văn hóa tâm linh.

Đền thường xuyên tổ chức những buổi hầu đồng, giải hạn, hội yến… Từ lâu, Đền Truông Bát chỉ thuộc mỗi cá nhân ông Ngô Thanh Cẩn làm thủ nhang kiêm công tác quản lý. Đến tháng 8/2022, UBND xã Ngọc Sơn mới ra quyết định về việc kiện toàn Ban quản lý Di tích Đền. Theo đó, Đền có 1 trưởng ban, 1 phó ban và 3 ban viên cùng làm công tác quản lý và điều hành. Tuy vậy, việc hoạt động của Ban này gần như không có hiệu quả, thực chất Ban chỉ là hình thức còn công việc quản lý và điều hành tại Đền vẫn là cá nhân ông Ngô Thanh Cẩn chủ trì, dù vị trí trong Ban của ông chỉ là thủ nhang. Bởi vậy, nhiều cử tri và người dân đều có phản ánh, đề nghị cần phải làm rõ mọi hoạt động và công tác thu chi tại Đền Truông Bát.

Ông Ngô Thanh Cẩn cũng đã nhiều lần viết đơn trình UBND huyện Thạch Hà và các cấp có thẩm quyền để xin làm quản lý tại Đền Truông Bát. Theo Công văn số 150/SVHTTDL – DSVH ngày 7/3/2019, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh gửi UBND huyện Thạch Hà và xã Ngọc Sơn, đã đồng ý để ông Cẩn làm thủ nhang tại Đền Truông Bát.

Nghị quyết về thu chi ngân sách năm 2022, trong đó nêu rõ nguồn thu tại xã (Phí Đền Truông Bát) là 230 triệu đồng/năm

Nghị quyết về thu chi ngân sách năm 2022, trong đó nêu rõ nguồn thu tại xã (Phí Đền Truông Bát) là 230 triệu đồng/năm

Không có quy chế tài chính, không kiểm đếm hòm công đức, mập mờ trong công tác quản lý…

Kể từ khi Đền Truông Bát được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp tỉnh vào năm 2011, Đền gần như được “giao khoán trọn gói” cho thủ nhang Ngô Thanh Cẩn, mọi hoạt động từ sinh hoạt tín ngưỡng đến quản lý tài chính, cơ sở vật chất…đều giao ông Cẩn điều hành và quản lý.

Để hợp thức hoá việc “giao khoán” này, HĐND xã Ngọc Sơn đã ban hành Nghị quyết về thu chi ngân sách, trong đó nêu rõ nguồn thu tại xã (Phí Đền Truông Bát) là 230 triệu đồng/năm. Xác nhận từ lãnh đạo xã Ngọc Sơn cho biết, nguồn thu này được thu từ ông Ngô Thanh Cẩn là thủ nhang của Đền. Việc chính quyền xã Ngọc Sơn “giao khoán trọn gói” cho một cá nhân là thủ nhang để điều hành quản lý và số tiền 230 triệu đồng/năm được xem là phí Đền Truông Bát nộp vào ngân sách xã liệu đã đúng với các quy định của pháp luật?.

Quang cảnh một buổi Lễ tại Đền Truông Bát (Ảnh trên Facebook của Đền)

Quang cảnh một buổi Lễ tại Đền Truông Bát (Ảnh trên Facebook của Đền)

Mặc dù có Ban quản lý với đầy đủ các thành phần liên quan, nhưng gần như Ban quản lý này “tê liệt” không hoạt động. Cụ thể, theo quy định sau khi thành lập, Ban quản lý phải xây dựng kế hoạch hoạt động, Quy chế tài chính, phân công nhiệm vụ các thành viên trong Ban, họp giao ban, báo cáo định kỳ… để trình UBND và HĐND xã. Tuy nhiên, Ban quản lý Đền Truông Bát không có các tài liệu về các hoạt động như đã nêu ở trên. Bên cạnh đó, nhiều nguồn thu của Đền như vận động các nhà hảo tâm, các đóng góp của du khách hay kiểm đếm tiền công đức đều không được lập biên bản mà chỉ mỗi cá nhân ông thủ nhang Ngô Thanh Cẩn tự quản lý.

Để làm rõ những khúc mắc này, phóng viên Văn hiến Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Ngọc Sơn, tại đây, ông Phan Trần Hưng – Phó chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban quản lý đền Truông Bát thừa nhận công tác quản lý ở Đền còn nhiều sai phạm, thiếu sót. Mặc dù từ năm 2022, sau khi có quyết định kiện toàn Ban quản lý, cá nhân ông Hưng là Trưởng ban nhưng không xây dựng kế hoạch hàng năm trình UBND xã phê duyệt theo quy định.

Quang cảnh một buổi Lễ tại Đền Truông Bát (Ảnh trên Facebook của Đền)

Quang cảnh một buổi Lễ tại Đền Truông Bát (Ảnh trên Facebook của Đền)

Cũng theo nghị quyết bổ sung thu chi ngân sách của xã năm 2022 số 15/NQ-HĐND, xã Ngọc Sơn có thu vào của Đền Truông Bát số tiền 230 triệu đồng. Được biết, số tiền này là do ông Ngô Thanh Cẩn nộp cho xã dù không xây dựng kế hoạch thu chi cụ thể. Về những lần nộp trước đó và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, ông Phạm Trường An hứa là sẽ cho kiểm tra và cung cấp tài liệu cho phóng viên. Tuy nhiên, từ khi làm việc đến nay đã gần 1 tháng, xã Ngọc Sơn vẫn “chưa có” số liệu để cung cấp.

Dù có quy chế nghiêm khắc, nhưng mọi hoạt động tại Đền Truông Bát luôn được điều hành và quản lý bởi mỗi cá nhân ông Ngô Thanh Cẩn.

Dù có quy chế nghiêm khắc, nhưng mọi hoạt động tại Đền Truông Bát luôn được điều hành và quản lý bởi mỗi cá nhân ông Ngô Thanh Cẩn.

Ông Phạm Trường An cũng thừa nhận có sai sót, khi Ban quản lý đến Truông Bát đi vào hoạt động nhưng không xây dựng quy chế tài chính rõ ràng, không phân công nhiệm vụ các thành viên trong Ban và không xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm. Điều này đặt ra câu hỏi liệu mọi hoạt động và cách quản lý tại đền Truông Bát đã phù hợp hay chưa?. Việc thu chi tài chính tại Đền không cụ thể rõ ràng, đã có dấu hiệu sai phạm về thất thoát?.v.v… Đã đến lúc tỉnh Hà Tĩnh phải vào cuộc thanh tra như đã từng làm ở Đền Chợ Củi để chấn chỉnh tại di tích này?

Phóng viên Văn hiến Việt Nam trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn – Ông Phạm Trường An, và Phó chủ tịch UNBD kiêm Trưởng ban quản lý Đền – Ông Phan Trần Hưng.

Phóng viên Văn hiến Việt Nam trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn – Ông Phạm Trường An, và Phó chủ tịch UNBD kiêm Trưởng ban quản lý Đền – Ông Phan Trần Hưng.

Đền Truông Bát là nơi thờ Vương Nương Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Lộc Hoa Công Chúa (Bà Chúa Lộc – Thân Mẫu Quan Hoàng Mười). Tương truyền Lộc Hoa Công Chúa là một Nữ Tướng tài sắc, văn võ song toàn, phò vua Lê chống giặc Minh xâm lược. Vào những ngày lễ húy kỵ, đặc biệt là dịp cuối năm và cận tết nguyên đán, Đền Truông Bát luôn thu hút rất đông người dân, du khách từ khắp mọi miền đến dâng hương, tế lễ, cầu may mắn, yên vui, gia đình hạnh phúc, tài lộc vẹn toàn, mọi việc hanh thông. Đây là một ngôi Đền linh thiêng nổi tiếng nằm bên cạnh “Đường mòn Hồ Chí Minh cũ” và luôn là điểm đến trong văn hóa tín ngưỡng tâm linh rất ý nghĩa của người dân. Bởi vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy di tích này đặc biệt quan trọng, từ quy hoạch thiết kế xây dựng, kế hoạch thu chi và quy chế tài chính hàng năm, đến công tác quản lý và hoạt động phải minh bạch, rõ ràng…

Văn hiến Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả những vấn đề còn bất cập xung quanh ngôi Đền linh thiêng nổi tiếng này.

 

Tác giả: Trần Hoàng – Ngọc Trâm
Nguồn tin: vanhienplus.vn