-
29/10/2020Quảng Nam: Sạt lở đất làm 53 người mất tích
Hoa hậu chuyển giới Hương Giang vừa rút khỏi vai trò ca sĩ biểu diễn ở vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam dự kiến tổ chức vào ngày 12/11.
Cùng lúc, Hương Giang tuyên bố “sẽ tạm dừng một số hoạt động nghệ thuật một thời gian, đồng thời tập trung cho những dự án cộng đồng tâm huyết”. Những diễn biến này xuất hiện sau khi cô Hoa hậu chuyển giới này bị dư luận phản đối, tẩy chay do có những hành động “không phù hợp” nhắm vào các “antifan”.
Đây là lần đầu tiên một nghệ sĩ chính thức tuyên bố tạm dừng hoạt động nghệ thuật khi vấp phải làn sóng tẩy chay từ công chúng.
Ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác, một “nhân vật showbiz” có chút tiếng tăm thường lôi kéo được một lượng fan của riêng mình, đồng thời cũng phải chấp nhận có một lượng “antifan” không nhỏ. Không riêng gì giới nghệ thuật, mà trong thế giới thể thao cũng vậy, từ những “ông vua sân cỏ” như Messi, C. Ronaldo, cho tới những “vua tennis” như Djokovic, Federer… cũng đều có những người hâm mộ trung thành cùng với những người luôn bày tỏ thái độ “căm ghét”. Đó là một phần của cuộc sống những người nổi tiếng, mà những nhân vật này phải chấp nhận.
Djokovic là một trong những tài năng tennis vĩ đại nhất lịch sử, đang nắm trong tay hàng loạt kỷ lục vô tiền khoáng hậu, đồng thời cũng có lượng “antifan” hết sức đông đảo. Thế nhưng, tay vợt người Serbia chưa bao giờ tỏ thái độ “vô lễ” đối với “antifan”, mà chỉ “đối đáp” với họ bằng những lời lẽ hết sức hài hước, thông minh.
Nhưng Hoa hậu Hương Giang thì khác. Những phát ngôn và động thái chống lại “antifan” của Hương Giang diễn ra suốt từ cuối tháng 10 đến nay. Đầu tiên, nữ ca sĩ đăng đàn phản đối cộng đồng “antifan” hơn 100.000 thành viên trên Facebook. Cô cho rằng hành động của “antifan” nhằm bôi nhọ, hạ bệ cô. Cô cũng yêu cầu họ ngừng tẩy chay các nhãn hàng do cô đại diện. Đỉnh điểm là hôm 30 và 31/10, Hương Giang đăng ảnh và clip cô cùng một người mặc sắc phục công an đến nhà một người được cho là “antifan” để “làm việc”. Bức ảnh và đoạn clip gây hoang mang dư luận, đến giờ vẫn chưa thể khẳng định tính xác thực và danh tính người được cho là công an đi cùng Hương Giang.
Dư luận cho rằng, hành vi đó của Hương Giang là đi quá giới hạn của sự thách thức dư luận. Bởi cô đã đánh đồng lực lượng “antifan” với một số người có hành vi vi phạm pháp luật, bôi nhọ nhân phẩm, danh dự cá nhân – nếu có. Ngay sau đó, nhiều người đã gửi thông điệp đến ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam và các nhãn hàng yêu cầu ngừng hợp tác với nữ ca sĩ. Họ tuyên bố sẽ ngưng sử dụng các nhãn hàng mà Hương Giang đang làm “đại sứ” – một trong những điều tồi tệ nhất mà các nhà kinh doanh không bao giờ muốn chứng kiến. Một số người còn cho biết sẽ không bao giờ xem một sự kiện hay chương trình có sự xuất hiện của Hương Giang – điều khiến Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam cũng như nhiều kênh sóng của các chương trình liveshow mà Hương Giang đang “chiếm sóng” phải… “giật mình”.
Thách thức dư luận chưa bao giờ là một phản ứng thông minh của những người nổi tiếng. Việc rút khỏi chương trình Hoa hậu Việt Nam, tạm ngưng hoạt động nghệ thuật của Hương Giang là một diễn biến đã được dự báo trước. Nó không hẳn là một “thảm họa” đối với một nghệ sĩ, thậm chí nếu nhìn ở góc tích tực thì đó là “khoảng lặng” để “người trong cuộc” tự nhìn nhận, đánh giá lại bản than để tự thay đổi, có những chuyển biến tốt hơn, tạo dựng được hình ảnh đẹp hơn trong mắt công chúng.
Nhưng kết quả của sự “tạm tút lui” này có được như mong muốn hay không, còn tùy thuộc vào những nỗ lực của người nghệ sĩ, trong đó không chỉ lấy lại hình ảnh bằng những hoạt động cộng đồng, mà còn ở khả năng trau dồi, nâng cao giá trị nghệ thuật cho các sản phẩm của mình.
Đó là điều không dễ dàng nếu người nghệ sĩ không có đủ thực lực.
Link bài viết: https://baodansinh.vn/hau-qua-cua-su-thach-thuc-du-luan-20201110103124058.htm